Việc làm trên tỏ ra hiệu quả khi một số doanh nghiệp đã có văn bản phản hồi và cam kết không tăng giá đối với nhiều sản phẩm cụ thể. Bên cạnh những giải pháp bình ổn giá cả, thị trường đang được triển khai, có thể xem đây là một việc làm thiết thực để kìm chế sự tăng giá bất hợp lý của nhiều sản phẩm, dịch vụ trước bối cảnh thị trường tiềm ẩn nhiều bất ổn.

Số liệu thống kê cho hay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 của cả nước tăng 1,86%; tăng 9,58% so với tháng 12/2009. Đây là tháng 11 có chỉ số CPI cao nhất trong vòng 15 năm trở lại đây. Với mức tăng này, mục tiêu kìm chế lạm phát khoảng 8% lần đầu tiên trong năm nay đã bị vượt qua. Cũng theo số liệu thống kê, chỉ số giá lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng tăng gần 13%; nhóm hàng hoá và dịch vụ tăng 19%; giá vàng tăng 23,3% so với tháng 12/2009... Biến động của giá cả thị trường tác động đến sự phát triển chung của nền kinh tế xã hội và đời sống của mỗi gia đình, cá nhân. Do vậy, bình ổn giá cả thị trường đang là vấn đề được Chính phủ, chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm; nhất là sắp bước vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. 

Tại Thừa Thiên Huế, bên cạnh việc dự trữ hàng hoá góp phần bình ổn giá, UBND tỉnh đã quyết định thành lập 10 đoàn liên ngành kiểm tra việc tuân thủ qui định về giá, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có biểu hiện đầu cơ, găm hàng nhằm tăng giá, ép giá kiếm lợi bất chính, gây mất ổn định thị trường... Hoạt động niêm yết giá và bán theo giá niêm yết đang được các doanh nghiệp, tiểu thương nhiều chợ trên địa bàn hưởng ứng thực hiện. Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực trên mới chỉ là “bề nổi của tảng băng”. Bởi một trong những yếu tố tăng giá tiêu cực của thị trường là “phản ứng dây chuyền” và cả tình trạng “đục nước béo cò”. Nhìn lại cơ sốt giá cả dịch vụ năm 2008 cho thấy, không ít sản phẩm dịch vụ chẳng liên quan gì đến sự tăng giá của đầu vào và tác động của thị trường nhưng giá vẫn tăng. Do vậy, sự “tăng giá ảo” của một số sản phẩm là một trong những tác nhân kéo theo một “cuộc đua tăng giá” của thị trường.
 
Trong bối cảnh hiện nay, việc đề nghị các đơn vị sản xuất kinh doanh bình ổn giá và cam kết không tăng giá của Cục Quản lý dược phẩm Việt Nam là một cách làm cần được nhân rộng. Tại Thừa Thiên Huế, việc các siêu thị, các chợ, các cửa hàng kinh doanh cam kết với cơ quan chức năng và thông báo công khai những mặt hàng cam kết không tăng giá sẽ tạo niềm tin và trở thành địa chỉ mua sắm tin cậy cho người tiêu dùng gần xa trong dịp cuối năm và tết Nguyên đán. “Đồng cam cộng khổ với khách hàng” trong bối cảnh thị trường biến động là một cách quảng bá uy tín hữu hiệu của các doanh nghiệp.
 
Theo chúng tôi, cam kết không tăng giá khi sản phẩm, dịch vụ của mình chưa xuất hiện các yếu tố khẩn thiết, là trách nhiệm cộng đồng của các doanh nghiệp. Tổ chức, vận động các doanh nghiệp thực hiện cam kết không tăng giá, không chỉ là công việc của cơ quan, đơn vị chức năng; mà cả với các tổ chức hội, đoàn có liên quan trên địa bàn. Chẳng hạn, trong khi giá xăng dầu không tăng do Nhà nước đã dùng ngân sách để bù lỗ, các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ, các hãng taxi có nên thực hiện viêc cam kết không tăng giá cước?!...
 
Hoàng Nguyên