Các đại biểu tham dự tại điểm cầu TP.Huế
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, đây là diễn đàn thường niên do Bộ Tài chính tổ chức từ năm 2017, Diễn đàn năm nay không chỉ là sự tiếp nối của các diễn đàn tài chính trước đây mà còn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển của Việt Nam trong giai đoạn mới. Sau gần 10 năm thực hiện, kết quả đạt được từ việc triển khai các nội dung của chiến lược là khá toàn diện, góp phần quan trọng vào việc củng cố các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả phân bổ các nguồn lực tài chính, củng cố tiềm lực tài chính quốc gia, cải thiện dư địa tài chính.
Vì vậy, trong 2 năm qua về mặt chính sách tài khóa, nước ta đã chủ động đưa ra các giải pháp về tài chính, ngân sách ứng phó có hiệu quả trước tác động của dịch COVID-19. “Thể chế tài chính đã được hoàn thiện cơ bản đồng bộ với cải cách thể chế các lĩnh vực có liên quan, góp phần huy động phân bổ và sử dụng các nguồn lực có hiệu quả thúc đẩy các yếu tố thị trường, các loại thị trường phát triển, đảm bảo quyền tự do kinh doanh và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp phù hợp với thông lệ quốc tế” - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết.
Vừa qua, dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế và đời sống của nhân dân, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng lưu thông, đặt ra nhiều thách thức cho hệ thống y tế, giáo dục. Về khía cạnh tài khóa, do tác động nghiêm trọng của dịch, Việt Nam phải tăng chi với quy mô lớn, trong khi thu ngân sách bị ảnh hưởng. Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội nhiều giải pháp tài chính ngân sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân thực hiện miễn, giảm, giãn thời hạn nộp thuế và các khoản thu ngân sách để các doanh nghiệp, người dân có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, ưu tiên nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân.
Diễn đàn Tài chính Việt Nam năm 2021 sẽ tập trung đánh giá về việc thực hiện chiến lược tài chính đến năm 2020, làm rõ các kết quả đạt được những hạn chế nguyên nhân cùng với đó là xem xét bối cảnh dự báo tình hình trong nước quốc tế giai đoạn 2021 - 2030, từ đó đưa ra các giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược tài chính 2021 - 2030, các giải pháp cho phục hồi và phát triển kinh tế.
Tại Thừa Thiên Huế, UBND tỉnh vừa tổ chức hội nghị về giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch COVID-19. Tỉnh đang xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế trong điều kiện bình thường mới; trong đó tập trung phục hồi các ngành, lĩnh vực trọng tâm của địa phương. Triển khai nhanh nhất các gói hỗ trợ cho DN, đối tượng bị ảnh hưởng. Khẩn trương rà soát các chính sách, tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo điều kiện cho DN sản xuất kinh doanh.
Cùng với DN, chủ động nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, phù hợp với dịch bệnh ở địa phương và điều kiện thực tế của DN; công nhân, người lao động trong các DN, doanh nhân được ưu tiên tiêm vaccine an toàn, khoa học, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc DN gắn với chuyển đổi số; nâng cao năng lực, sức cạnh tranh; quan tâm đến việc giữ chân người lao động, chuyển đổi lao động, tái cấu trúc lao động; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để biến thách thức thành cơ hội; mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu...
Tin, ảnh: Thái Bình