Người thầy luôn có vai trò quan trọng trong giảng dạy, dẫn dắt, định hướng cho học sinh, sinh viên (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19) Ảnh: L.HUY

Nếu là những lớp học trò trưởng thành đến thăm thầy cô giáo cũ, thì đó là sự tri ân người thầy. Một nghĩa cử đáng trân trọng, với người thầy lẫn học trò. Nhưng nếu buổi sáng vừa học với thầy cô trên lớp mà buổi chiều lại kéo nhau đến nhà thầy cô để “chúc mừng ngày nhà giáo” cùng với lỉnh kỉnh lẵng hoa, gói quà thì việc làm đó có ý nghĩa gì? Buổi tối, phụ huynh đi làm về hẹn nhau đến nhà thầy cô, lại thêm lẵng hoa, có khi cả chiếc phong bì, thì đó có phải là sự tôn vinh nghề giáo hay không?

Và nếu, ngày hôm đó, đường phố không có cảnh hoa quà rộn ràng, trên các nẻo đường không có học sinh, phụ huynh kéo nhau đi thăm thầy cô, thì có phải là xã hội không còn tôn vinh nghề giáo, không xem trọng giáo dục?

Những câu hỏi có thể làm cho ai đó phật ý. Nhưng năm nào vào dịp 20/11 cũng chứng kiến hình ảnh đó, lòng tôi lại bật lên những điều trắc ẩn. Còn nhiều câu hỏi nữa không chỉ đặt ra cho nhà giáo, cho ngành giáo dục, mà cho cả xã hội. Sự thật là nền giáo dục nước nhà vẫn chưa thoát khỏi vướng mắc rối rắm, dù nhà nước đã xây dựng hoàn chỉnh chiến lược phát triển. Bao giờ thì giáo dục Việt Nam sẽ ra khỏi tình trạng rối rắm nan giải đó, để phát triển? Giữa vô vàn gian khó đó, phải bắt đầu từ đâu?

Phải bắt đầu từ người thầy, chứ không thể từ đâu khác!

Hình ảnh đại diện của nền giáo dục là ngôi trường. Trong ngôi trường đó, có hai chủ thể là người dạy và người học. Trong hai chủ thể đó, người dạy phải chịu trách nhiệm trước tiên và chính yếu mọi việc, không chỉ việc dạy của mình, mà cả việc học của trò. Nền giáo dục Nho giáo đề cao “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, không phải là xem nhẹ vai trò người học, mà chính là đặt nặng trách nhiệm của người thầy. Giáo dục ngày nay đề cao vai trò chủ thể của người học, nhằm khai phóng tối đa năng lực sáng tạo của học sinh - sinh viên, bằng sự tự chủ, năng động của mình. Tức là đòi hỏi cao hơn vai trò của người thầy. Người thầy trong nền giáo dục hiện đại phải là người truyền cảm hứng, kích thích sáng tạo cho người học. Thầy không phải đọc cho trò chép, bảo gì trò nghe nấy, mà là trả lời những câu hỏi chất vấn của trò, phản biện chính kiến của người học đưa ra...

Học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học trong giờ thực hành (Ảnh minh họa)

Việc đầu tiên mà Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thực hiện ngay sau khi nhậm chức là gửi một lá thư đến các nhà giáo trong cả nước. Ngay đầu thư, ông bộ trưởng bày tỏ rằng, trăn trở đầu tiên của ông khi nhận nhiệm vụ bộ trưởng là suy nghĩ về nghề và sự nghiệp của nhà giáo.Việc đổi mới nền giáo dục và của cả xã hội, phải bắt đầu từ người thầy. “Hơn ai hết, chúng ta mong mỏi vị thế của nhà giáo cần phải được củng cố, sự tôn nghiêm của nghề cần phải được giữ gìn. Điều này cần nhiều phía và liên quan nhiều yếu tố, nhưng trước hết và quan trọng nhất là do chính nhà giáo chúng ta”.

Đến đây sẽ có người hỏi: sao trả lương cho nhà giáo thấp mà cứ đòi hỏi cao như vậy? Một câu hỏi cần thiết phải đặt ra, vì đời sống khó khăn của nhà giáo luôn là nỗi day dứt của cả xã hội, suốt hàng chục năm qua. Chất lượng giáo dục thật khó nâng cao nếu lương nhà giáo vẫn thấp. Nhưng nếu điều kiện của đất nước vẫn chưa đủ để trả lương cao cho nhà giáo, chúng ta phải chấp nhận một nền giáo dục chất lượng thấp hay sao? Nếu vậy sẽ không bao giờ thoát khỏi vòng luẩn quẩn, và càng ngày càng tệ hơn.

Cuộc đổi mới nền giáo dục phải bắt đầu từ sự hy sinh của người thầy. Vì nghề giáo là thiên chức, tức là chức năng thiêng liêng do tạo hóa định sẵn. Trong xã hội loài người, chỉ có vài nghề đặc biệt như vậy thôi (cùng với nghề thầy thuốc, quan tòa...). Đã là thầy thì phải yêu thương học trò và dạy dỗ cho chúng nên người, bất luận đứa học trò đó có biết ơn mình hay không.

“Vẫn còn không ít những tâm tư và lo lắng, những thiệt thòi và thậm chí là oan uổng. Những lúc như vậy, hãy nhìn về phía học trò thân yêu, lẽ phải cao nhất và sự bù đắp lớn nhất nằm ở đó”. Đừng cho rằng ông bộ trưởng nói “lời có cánh” để động viên suông. Ai là nhà giáo chắc hẳn hiểu rất rõ sự bù đắp lớn nhất đó. Nếu không thì sẽ không làm được người thầy!

Muôn vàn khó khăn của nền giáo dục nước nhà sẽ dần thay đổi, chỉ cần đội ngũ nhà giáo chấp nhận thiệt thòi hôm nay để cho đất nước có ngày mai. Chỉ cần thầy ra thầy, thì trò sẽ ra trò, trường sẽ ra trường, lớp sẽ ra lớp. Giáo dục sẽ ra giáo dục, là “ngôi đền thiêng của quốc gia, dân tộc”, chứ không phải là những câu chuyện buồn đến phát cười và cười ra nước mắt, như mỗi ngày hôm nay ta vẫn phải nghe.

Bài: Minh TỰ - Ảnh: HP