Buổi sáng ở thị trấn A Lưới, trời âm u và lất phất mưa. Xe chạy bon bon trên đường mòn Hồ Chí Minh từ A Lưới sang tận huyện Tây Giang (Quảng Nam). Đang gật gù sau một đêm vui chơi, ít ngủ, bỗng giật mình khi nghe ai đó khẽ gọi: “Coi kìa, lan rừng!”. Không ai bảo ai, tất cả mọi người trên xe cùng ngước mắt nhìn về phía rừng dưới ấy và trên kia, ôi tuyệt vời khi lủng lẳng trên những tán cây cao giữa màu xanh đại ngàn là những chùm lan rừng tím ngát. Một ấn tượng thật tuyệt vời và khó phai.
Cây gõ 500 tuổi ở rừng nguyên sinh A Roàng |
Tôi đã nghe kể nhiều về khu rừng A Roàng với tư cách là khu rừng nguyên sinh duy nhất còn lại trên đất Thừa Thiên Huế. Đó là khu rừng già bao gồm nhiều dãy rừng còn khá nguyên vẹn với diện tích lên tới 3.000 ha, kéo dài từ A Lưới sang tới huyện Tây Giang, có thảm thực vật nguyên sinh đến 5 tầng, bao gồm tầng cây gỗ cao, trung bình và thấp, tầng cây bụi và thảm rêu. Hệ động vật cũng rất đa dạng với nhiều loài nằm trong sách đỏ Việt Nam. Đặc biệt, khu rừng có nhiều thác cao, vực sâu rất hấp dẫn đối với loại hình du lịch sinh thái và dành cho những ai thích phiêu lưu, mạo hiểm, ưa cảm giác mạnh. Cũng chính vì thế mà gần đây, nhiều đơn vị du lịch lữ hành đã tổ chức cho khách du lịch tham gia các cuộc trekking rừng nguyên sinh A Roàng. Hành trình rất đơn giản, buổi sáng du khách xuất phát từ điểm du lịch cộng đồng ở xã A Roàng hay xã Nhâm, lên đường mòn Hồ Chí Mình, rồi tiến vào rừng nguyên sinh A Roàng. Sau một buổi rong chơi và khám phá, đầu giờ chiều là có thể quay trở lại Huế.
Tôi chưa có dịp tham gia vào cuộc trekking, chỉ nghe giới thiệu đã hấp dẫn. Thế nhưng mới đây, trong lần tham gia đoàn tham quan, khảo sát các điểm du lịch của huyện A Lưới (Farmtrip), khi ngang qua khu rừng nguyên sinh A Roàng, tôi đã có cơ hội dừng lại ghé thăm cây gõ trên 500 tuổi nằm bên cạnh đường mòn Hồ Chí Minh. Phần vì háo hức muốn được tận mắt chứng kiến cây gỗ quý như một biểu tượng của rừng già, phần vì cách mời gọi của người bạn mới quen là Hồ Văn Ngoan, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới. Ngoan bảo rằng, chớ nên bỏ qua cơ hội và khích lệ, gần thôi mà, chỉ khoảng chừng 100 mét. Vậy là hăm hở...
Lần đầu tiên đi rừng mới thấy đó thật sự là thử thách lớn đối với con người. Đường mòn hun hút, dốc không quá dựng đứng nhưng trơn trợt với nhiều cây cối chằng chịt ngăn cản, lại trong một không gian vắng lặng, đơn côi khiến không ít người chùn bước. Lại nữa, cung đường chỉ có 100 mét của Hồ Văn Ngoan sao mà kéo dài đến thế. Nhiều người do thế đã bỏ cuộc.
Lần đầu tiên được diện kiến cây gõ 500 tuổi là một dịp may hiếm có. Đó là cây cổ thụ có chiều cao hàng chục mét, 4 người ôm không xuể, nằm trên một bãi đất tương đối bằng phẳng, bao bọc xung quanh là cả một quần thể cây xanh tươi tốt, trong đó rất nhiều cây gỗ lớn. Tôi được biết, cây gỗ 500 tuổi ở rừng nguyên sinh A Roàng này đã được lập hồ sơ và bảo vệ nghiêm ngặt. Ngay trên đường mòn Hồ Chí Minh, vị trí của cây cổ thụ đã có biển báo xác định. Bên cạnh làm tốt công tác bảo vệ, chính quyền địa phương đã có kế hoạch hình thành tuyến đường, đưa cây gỗ trở thành điểm tham quan đặc sắc của khách du lịch trong hành trình khám phá đường mòn Hồ Chí Minh, đoạn đi qua huyện A Lưới.
Chỉ một lần thôi đến với khu rừng nguyên sinh A Roàng, nơi có cây gỗ già 500 tuổi là cả một sự trải nghiệm thú vị. Nó là một góc nhìn lạ, đầy bí ẩn và không kém phần hấp dẫn về Huế - Thừa Thiên nơi phía rừng già.