Nguyên nhân chính của thực trạng này một mặt do nguồn vốn đối ứng của ngư dân còn hạn chế và một mặt do nhiều ngư dân chưa thực sự mạnh dạn. Một số ngư dân tuy muốn vay vốn đóng tàu công suất lớn nhưng lại không muốn lắp máy mới với giá thành từ 1,5 đến 2 tỷ đồng mà có nguyện vọng được lắp máy cũ với giá thành chỉ bằng 1/3 giá máy mới. Nguyện vọng này tất nhiên không được cơ quan chức năng chấp nhận; bởi lý do an toàn là trên hết. Theo tính toán, nếu chẳng may tàu bị tắt máy trôi dạt trên biển thì công lai dắt tàu vào bờ còn tốn kém hơn giá trị của bộ máy mới.
Những năm gần đây, lượng tôm cá gần bờ không được dồi dào. Các loài hải sản có giá trị kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu thị trường tập trung ở biển khơi. Hơn ai hết, ngư dân cũng nhận thức được điều đó và luôn phấn đấu có được tàu công suất đủ lớn để vươn khơi bám biển. Từ nhiều năm qua, ngư dân đã có nhiều thay đổi hình thức, phương tiện đánh bắt; đầu tư nâng cấp tàu cá để đánh bắt xa bờ. Tuy nhiều thuyền chưa đủ khả năng để đánh bắt dài ngày nhưng đã tiếp cận được các ngư trường tiềm năng, mang lại hiệu quả đáng kể. Có những chuyến xa khơi, mang về hàng trăm triệu đồng.
Nghị định 67 tiếp tục thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với hoạt động đánh bắt, phát triển thủy sản đối với ngư dân nói riêng và các địa phương có bờ biển, đầm phá nói chung. Đây có thể xem là động lực mới, để thúc đẩy phát triển một đội tàu cá công suất lớn, đủ sức để vươn khơi bám biển. Thực tiễn sinh động cho thấy, nhiều ngư dân tuy chưa đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi theo Nghị định 67 nhưng đã huy động nguồn lực tại chỗ để đóng mới, cải hoán tàu thuyền trong khả năng có thể. Hầu hết, các tàu ngư dân tự đóng mới công suất không quá lớn nhưng chất lượng đảm bảo, đủ khả năng để vươn khơi xa.
Chính sách tín dụng theo Nghị định 67 không hoàn toàn yêu cầu phải đóng mới tàu có công suất lớn loại trên dưới 1.000 CV mà có thể đóng mới, nâng cấp tàu có công suất từ 400 CV trở lên. Đây cũng là điều kiện để ngư dân tùy theo khả năng về nhân lực, tài chính, chọn lựa hình thức đóng mới hay nâng cấp tàu của mình một cách phù hợp. Hiệu lực thi hành của Nghị định 67 còn dài, đến hết năm 2016 và còn tổng kết, rút kinh nghiệm triển khai trong giai đoạn tiếp theo. Theo tinh thần đó, trong thời gian đánh bắt khai thác với tàu hiện có, khi đủ điều kiện thì ngư dân có thể đóng mới thêm tàu, công suất tương đương hoặc có thể lớn hơn; để vươn khơi bám biển dài ngày, vừa nâng cao hiệu quả đánh bắt, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.