Tổng thống Indonesia Joko Widodo (trái) và các lãnh đạo trong Nhóm G20. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN/Báo Tin tức

Hiện, Indonesia đã hoàn toàn sẵn sàng để đảm đương và thực hiện trọng trách này nhờ vào kinh nghiệm dày dặn trong việc chủ trì và đăng cai tổ chức nhiều cuộc họp khác nhau của các tổ chức đa phương.

Trong bài phát biểu khi nhận chức Chủ tịch G20, đại diện cho đất nước Indonesia, Tổng thống Joko Widodo cam kết mục tiêu chính đối với vai trò lãnh đạo của Indonesia sẽ là “tăng trưởng toàn diện, lấy con người làm trung tâm, thân thiện với môi trường và bền vững”. Dưới sự lãnh đạo của Indonesia, Nhóm G20 đặt mục tiêu đóng vai trò “là động cơ” phát triển một hệ sinh thái thúc đẩy sự hợp tác và đổi mới.

Nhóm G20 gồm các quốc gia như Argentina, Australia, Brazil, Canada, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Mexico...., có nền kinh tế kết hợp chiếm 90% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới.

Trong một diễn biến có liên quan, cảnh báo mới nhất từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về những tác động toàn cầu quy mô lớn của biến thể Omicron của đại dịch COVID-19 và sự hoảng loạn toàn cầu trong nhiều vấn đề có liên quan khác chính là lý do Indonesia lựa chọn chủ đề cho nhiệm kỳ Chủ tịch Nhóm G20 của mình là “Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn”. Một quốc gia dù có giàu có và thịnh vượng đến đâu cũng không bao giờ có thể chiến thắng trong cuộc chiến đấu với dịch bệnh chết người khi vẫn có những quốc gia bị bỏ lại phía sau, kể cả trong các chương trình tiêm chủng.

Thế giới đang hi vọng chương trình nghị sự của Indonesia sẽ không kết thúc với một danh sách những điều mong muốn nhưng vẫn chưa thực hiện được.

Đối với Indonesia, trở thành chủ tịch G20 là một niềm vinh dự, song cùng lúc cũng là một thách thức. Indonesia không thể áp đặt chương trình nghị sự của mình lên các thành viên khác, nên sự lãnh đạo của Indonesia nhằm tạo ra sự đồng thuận mạnh mẽ giữa các nhà lãnh đạo và giữa các nước sẽ là chìa khóa vô cùng quan trọng.

Được biết, trong tuyên bố sau hội nghị thượng đỉnh diễn ra hồi tháng 10 vừa qua tại Rome, các nhà lãnh đạo của nhóm G20 cam kết giúp WHO đẩy nhanh mục tiêu toàn cầu để tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số trên thế giới vào cuối năm 2021 và tăng lên đến mức 70% vào năm 2022. G20 cũng sẽ thúc đẩy việc cung cấp vaccine và các sản phẩm y tế cơ bản khác cho các quốc gia nghèo hơn để cùng nhau vượt qua đại dịch COVID-19.

Di sản của Indonesia sẽ được quyết định bởi khả năng đạt được tiến bộ cụ thể và đáng kể trong Nhóm G20. Thay vì cố gắng thực hiện quá nhiều chương trình nghị sự đầy tham vọng, sẽ là tốt hơn khi chính phủ Indonesia tập trung vào các vấn đề cấp bách nhất, đơn cử như đại dịch COVID-19 và các tác động kinh tế - chính trị của nó, cũng như giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu.

Đan Lê (Lược dịch từ Jakarta Post)