Hơn bốn mươi năm trước, ngày hòa bình lập lại, ba mẹ bán hết nhà cửa đưa cả nhà về quê. Nơi chôn rau cắt rốn mà ba đã mấy mươi năm xa biền biệt. Ông tham gia du kích, bị thương rồi được chuyển ra Bắc. Bà nội một mình ở nhà trông đợi nhưng đã không chờ được đến ngày độc lập...

Khu vườn rộng nội để lại tiêu điều sau chiến tranh. Mấy cây dừa thiếu hơi người khô cứng. Bao trùm khu vườn là um tùm cỏ ống. Một loại cỏ cứng đầu và sống dai. Chúng ăn sâu xuống lòng đất để sau mùa đông, lại đâm lên những mầm cỏ to và cứng như những chiếc lông nhím tua tủa.

Mẹ đã còng lưng hằng đêm để đào cho hết thứ cỏ ống kỳ dị ấy và cho ra đời lứa bầu đầu tiên sau giải phóng. Kỳ lạ thay cây bầu. Bất chấp cái bạc bẽo của đất, chúng lớn nhanh như thổi, trổ ra những chiếc lá xanh non to như tai voi, rợp xanh cả một vùng cát trắng. Những quả bầu xanh non thỏng xuống như những chiếc ngà voi. Cũng lạ thay, bầu có hoa rất đẹp. Những bông hoa to trắng muốt kiêu hãnh vươn lên hứng gió, hứng nắng. Lũ trẻ con mơ mộng mỗi sáng ngước lên giàn bầu đầy sương, chiêm ngắm...

Khu vườn của mẹ đã nuôi chúng tôi lớn lên, cùng những mùa hoa trái, với đầy đủ sự nhọc nhằn, yêu thương và thi vị...

Tháng giêng, những giàn bầu ở quê nay đã lùi xa. Thế hệ con em kế tiếp vui mừng đã thoát ly được ruộng vườn. Thay vì trồng bầu, những mảnh vườn được dùng để trồng tràm hoa vàng bán lấy gỗ. Những con đường làng rợp bóng tre cũng thưa thớt dần trên các tuyến đường đổ bê-tông...

Hình như đang có một sự chảy ngược, khi ở thành phố, người ta cố tranh thủ từng miếng đất trống để trồng rau. Còn ở làng, những khu vườn từng cưu mang bao nhiêu thế hệ lại ngày càng trống trải... Chợt nhớ đến câu ca dao xưa: Râu tôm nấu với ruột bầu/Chồng chan vợ húp, gật đầu khen ngon...

Có lẽ sẽ phải rất mất công giải thích cho thế hệ học sinh mai sau để chúng thấm hết cái ý vị, lãng mạn của cha ông đã được chắt lọc từ nhọc nhằn mà thành ca dao, như sức sống mỡ màng của cây bầu vậy.

Tiểu Muội