Biến thể Omicron đang là mối quan tâm và lo ngại của toàn thế giới khi nhắc đến đại dịch COVID-19. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN/Vietnam+

Biến thể Delta, chủng biến thể được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ vào đầu năm nay, chính là nguyên nhân gây nên phần lớn các ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, việc Nam Phi phát hiện ra Omicron - biến thể có số lượng đột biến cao hơn - vào tháng trước đã khiến các quốc gia nhanh chóng áp đặt các lệnh hạn chế đi lại đối với các quốc gia ở Nam Phi, đồng thời triển khai các biện pháp chống dịch trong nước để ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới.

WHO cho hay, tính đến ngày 9/12, biến thể Omicron đã lây lan đến 63 quốc gia trên toàn cầu. Tốc độ lây nhiễm nhanh chóng đã được ghi nhận ở Nam Phi, nơi biến thể Delta ít phổ biến hơn. Trong khi đó tại Anh, Delta là biến thể vượt trội, chiếm “nhiều ưu thế”.

Dữ liệu sẵn có ban đầu cho thấy rằng Omicron cũng gây ra tình trạng giảm hiệu quả của vaccine, có khả năng biến thể mới này sẽ vượt xa Delta trong thời gian tới.

Cũng thuộc nguồn tin được trang CNA trích dẫn, biến thể Omicron cho đến nay đã gây ra các trường hợp bệnh nhẹ, hoặc những ca không có triệu chứng. Song Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bổ sung thêm rằng nguồn dữ liệu là không đủ để xác định mức độ nghiêm trọng của biến thể.

Để tăng tốc chống lại sự lây lan của đại dịch, bên cạnh triển khai chương trình tiêm chủng để đảm bảo người dân được tiêm đủ 2 mũi cần thiết, một số quốc gia có đủ nguồn cung vaccine như Anh và Pháp đã khuyến khích người dân tiêm thêm mũi vaccine tăng cường thứ 3 để chống lại Omicron.

Đan Lê (Lược dịch từ CNA)