Biến thể Omiccron khiến các nước phải triển khai nhiều hạn chế nghiêm ngặt hơn trước thềm các hoạt động lễ hội cuối năm đang diễn ra. Ảnh minh họa: AP/Báo Điện tử Chính phủ Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

Cụ thể, chính phủ Italy đang xem xét triển khai các biện pháp mới để tránh sự gia tăng về số ca nhiễm COVID-19 trong kỳ nghỉ lễ, nhất là khi biến thể Omicron ghi nhận có khả năng lây lan rất cao.

Theo đó, sau khi tổ chức một cuộc họp với các bộ trưởng vào ngày 23/12, Thủ tướng Italy Mario Draghi có thể sẽ áp đặt yêu cầu bắt buộc đối với những người đã tiêm chủng phải xuất trình chứng nhận âm tính với COVID-19 nếu muốn vào các điểm đông người, bao gồm quán bar và sân vận động.

Xét nghiệm âm tính cũng có thể được yêu cầu khi vào rạp chiếu phim, cùng với đó là đeo khẩu trang khi đến các không gian công cộng ngoài trời.

Theo quy định hiện hành, những người đã được tiêm chủng, hoặc gần đây đã khỏi bệnh sau khi nhiễm COVID-19 có thể vào tự do trong các nhà hàng và quán bar, cũng như bảo tàng, rạp chiếu phim, câu lạc bộ và các sự kiện thể thao.

Được biết, Italy - quốc gia có lệnh tiêm phòng vaccine COVID-19 bắt buộc đối với nhân viên y tế, nhân viên trường học, cảnh sát và quân đội - có thể sẽ sớm mở rộng nghĩa vụ tiêm chủng cho tất cả người lao động vào tháng 1/2022.

Cuối tuần qua, Viện Y tế Quốc gia Italy (ISS) cho biết, biến thể Omicron đang lây lan nhanh chóng ở Italy, với các trường hợp nhiễm mới được xác định ở miền Bắc và miền Nam của đất nước. Đến nay có tổng cộng 84 trường hợp xác nhận nhiễm Omicron. Mới đây, thủ đô Rome của Italy cũng gia hạn tình trạng khẩn cấp về COVID-19 đến ngày 31/3/2022 và ra tuyên bố rằng tất cả du khách từ các nước châu Âu đều phải làm kiểm dịch trước khi khởi hành.

Đức cũng đang siết chặt các hạn chế đi lại đối với những người đến từ Anh để đối phó với sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron tại đất nước này.

Trung tâm kiểm soát dịch bệnh của Đức, Viện Robert Koch đã thêm Anh vào danh sách “các khu vực có biến thể virus”. Điều này có nghĩa là bất kỳ ai đi từ Anh đến Đức đều phải cách ly bắt buộc trong vòng 14 ngày, bất kể tình trạng tiêm chủng như thế nào.

Các hạn chế mới này bắt đầu có hiệu lực vào 0h00 ngày 20/12, sau khi Vương quốc Anh ghi nhận số ca nhiễm tăng cao kỷ lục.

Trong danh sách “các khu vực có biến thể virus” của Đức bao gồm Anh và 8 nước châu Phi khác, trong đó có cả Nam Phi.

Cũng trong tình hình dịch diễn biến hiện nay, Pháp và Đan Mạch được coi là “khu vực có nguy cơ cao”, tức những người không được tiêm chủng hoặc phục hồi sau nhiễm phải cách ly bắt buộc 10 ngày.

Trong khi đó tại Hà Lan, các phố mua sắm đã bị đóng cửa và kế hoạch Giáng sinh của người dân cũng đang bị xáo trộn.

Cụ thể, vào ngày 18/12, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thông báo đóng cửa tất cả các cửa hàng, trừ các dịch vụ thiết yếu. Việc đóng cửa này sẽ kéo dài từ ngày 19/12 đến ít nhất là ngày 14/1/2022.

Tin tức này gây sốc cho nhiều người dân ở Hà Lan khi họ bước vào mùa lễ Giáng sinh và Năm mới. Cuối tuần qua, nhiều người đã đổ xô ra đường để mua quà và thức ăn cũng như làm tóc.

Tất cả các trường học tại đây sẽ đóng cửa sớm một tuần để nghỉ lễ Giáng sinh từ ngày 20/12 và sẽ đóng cửa cho đến ít nhất là ngày 9/1/2022. Cùng lúc, các hộ gia đình được khuyến cáo không nên tiếp quá 2 khách và các cuộc tụ tập bên ngoài cũng nên giới hạn tối đa là 2 người.

Trong những tuần qua, số ca nhiễm COVID-19 ở Hà Lan ghi nhận giảm đáng kể sau khi các hạn chế về đêm được triển khai thực hiện vào cuối tháng trước. Song đến tháng 12, số ca nhiễm liên quan đến biến thể Omicron lại gia tăng nhanh chóng và chủng này cũng được dự đoán sẽ trở thành chủng biến thể thống trị trước cuối năm nay.

Nếu trường hợp này xảy ra, điều này sẽ đặt ra một gánh nặng vô cùng lớn cho các bệnh viện. Chính phủ Hà Lan tuyên bố sẽ đẩy nhanh việc quản lý các mũi vaccine tăng cường, với mục tiêu hiện nay là cung cấp các mũi tiêm bổ sung cho đối tượng người từ 60 tuổi trở lên trước khi hết tháng 12.

Trong một thông tin có liên quan, trong khi hơn 85% dân số trưởng thành người Hà Lan được tiêm chủng vaccine COVID-19 để phòng dịch, chưa đến 9% số người nói trên đã được tiêm nhắc lại. Đây có thể nói là một trong những tỷ lệ thấp nhất ở châu Âu.

Đan Lê (Tổng hợp từ CNA & Worldmeters)