Đại diện UNDP chia sẻ về kinh tế tuần hoàn

So với kinh tế tuyến tính truyền thống, kinh tế tuần hoàn KTTH giúp giảm số lượng tài nguyên cần sử dụng và số lượng phế thải tạo ra, góp phần bảo tồn nguồn tài nguyên và làm giảm các tác động ô nhiễm đến môi trường.

Theo các chuyên gia tham dự hội thảo, trong quá trình thực hiện lộ trình xây dựng nền KTTH sẽ gặp rất nhiều khó khăn từ việc thiếu thông tin dữ liệu, việc huy động sự tham gia của các ban ngành liên quan, sức ép từ thời gian thực hiện... Muốn thực hiện được kế hoạch cũng như định hướng trong phát KTTH đòi hỏi địa phương phải xác định được tiềm năng, thế mạnh và hướng đi của mình trong phát triển. Đồng thời, các chuyên gia cũng đề xuất những lĩnh vực có thể ưu tiên trong phát triển KTTH tại Thừa Thiên Huế như du lịch, cộng sinh công nghiệp - tái sử dụng và tận dụng chất thải công nghiệp…

Sau khi lắng nghe các ý kiến góp ý từ các chuyên gia, ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh chia sẻ, Thừa Thiên Huế đang xây dựng chiến lược phát triển bền vững trên nền tảng các mô hình đổi mới sáng tạo mang tính đặc thù, phù hợp với địa phương. Theo đó, mục tiêu Thừa Thiên Huế hướng đến chính là tái cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ, thương mại, kinh tế trí thức, kinh tế xanh, KTTH, kinh tế số và công nghiệp văn hóa, giải trí. Vì thế, KTTH được xem là mũi nhọn và giải pháp trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn hiện nay.

Các ý kiến từ các chuyên gia từ quan điểm, kinh nghiệm và cách thức triển khai sẽ là bước khởi động cho việc nghiên cứu và tham vấn chính sách cụ thể cho lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế trong giai đoạn hiện nay đến năm 2025, định hướng đến 2030.

Tin, ảnh: Hoàng Loan