Các nước vẫn đang nỗ lực đối phó với đại dịch lây lan. Ảnh minh họa: Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế
Do đó, các chuyên gia cho rằng các nhà sản xuất nên xin phép FDA phê duyệt lấy mẫu xét nghiệm bằng đường hầu họng.
Theo đó, người bệnh có thể lây truyền Omicron cho người khác, khi biến thể đã nhiễm vào cổ họng và nước bọt của họ trước khi biến thể xuất hiện ở mũi. Vì vậy, xét nghiệm COVID-19 bằng đường mũi quá sớm sẽ không thể tìm ra kết quả chính xác, Tiến sĩ Michael Mina cho hay.
Một nghiên cứu được công bố vừa qua trên medRxiv trước khi đánh giá đồng cấp đã tiến hành xem xét 29 lao động bị nhiễm Omicron, làm việc trong các ngành nghề có nguy cơ cao-những người đã được thực hiện đồng thời các xét nghiệm PCR và test kháng nguyên trong nhiều ngày. Kết quả là các xét nghiệm PCR bằng đường nước bọt phát hiện ra virus sớm hơn trung bình 3 ngày so với kết quả dương tính lấy từ các mẫu xét nghiệm bằng đường mũi.
Trưởng nhóm nghiên cứu Blythe Adamsom thuộc công ty giảm thiểu rủi ro có trụ sở tại New York Infection Economics LLC nhận xét: “Khi mọi người test nhanh âm tính, vẫn có nguy cơ họ có tải lượng virus rất dễ lây nhiễm cho người khác”.
Một số chuyên gia khuyên những người xét nghiệm COVID-19 nên chọn đường họng, thay vì mũi. Tuy nhiên, FDA cho rằng người dùng nên làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Theo đó, FDA bày tỏ lo ngại về mức độ an toàn liên quan đến việc tự lấy dịch hầu họng, bởi “chúng phức tạp hơn lấy mẫu từ đường mũi và nếu thực hiện không đúng cách thì có thể gây nên nguy hiểm cho bệnh nhân”.
FDA cho biết: “Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến nghị nên lấy mẫu từ dịch hầu họng bởi một nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe được đào tạo”.
Trước khi FDA phê duyệt phương pháp tự xét nghiệm hầu họng tại nhà, các nhà sản xuất sẽ cần phải tiến hành những nghiên cứu để chứng minh rằng người tiêu dùng có thể thực hiện các xét nghiệm 1 cách an toàn và cung cấp hướng dẫn chi tiết với từng bộ xét nghiệm.
Trong một diễn biến có liên quan, trang CNA ngày 8/1 đưa tin, tính đến ngày 7/1 vừa qua, số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới đã ghi nhận vượt 300 triệu trường hợp, với sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron đã lập kỷ lục về số ca dương tính ở hàng chục quốc gia.
Trong 7 ngày qua, 34 quốc gia đã ghi nhận số ca nhiễm hàng tuần cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát, bao gồm 18 nước ở châu Âu và 7 quốc gia ở châu Phi.
Mặc dù lây lan hơn so với các biến thể trước, nhưng Omicron dường như ít gây ra tình trạng bệnh nặng hơn so với các biến thể “tiền nhiệm”.
Ngay cả khi biến thể này khiến thế giới ghi nhận 13,5 triệu trường hợp chỉ trong 1 tuần vừa qua, tức cao hơn 64% so với 7 ngày trước đó, thì tỷ lệ tử vong trung bình toàn cầu vẫn ghi nhận giảm 3%.
Trích dẫn dữ liệu từ Anh, Mỹ, Canada và Israel, Cơ quan Y tế Công cộng của Pháp thông tin rằng nguy cơ nhập viện do Omicron thấp hơn khoảng 70%.
Tuy nhiên, với mức trung bình toàn cầu là khoảng 2 triệu ca bệnh mới được phát hiện hằng ngày, hệ thống y tế vẫn có nguy cơ đối diện với áp lực.
Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc điều hành của hãng dược Moderna Stephane Bancel mới đây nhận xét, hiệu quả của các mũi tiêm tăng cường chống lại COVID-19 có thể sẽ giảm theo thời gian và mọi người có khả năng cần tiêm thêm mũi vaccine thứ tư để tăng khả năng bảo vệ.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Tổng Giám đốc Stephane Bancel cho biết, những người được tiêm mũi tiêm tăng cường vào mùa thu năm ngoái có thể sẽ đạt mức độ bảo vệ qua hết mùa đông, khi số ca nhiễm mới gia tăng vì mọi người phần lớn tụ tập trong các không gian trong nhà để tránh thời tiết lạnh.
Tuy nhiên, hiệu quả của vaccine có thể sẽ giảm sau vài tháng như những gì đã xảy ra với 2 mũi đầu tiên.
Là một trong những động thái đối phó với dịch, Tổng Giám đốc của Moderna cho biết các chính phủ, bao gồm cả Anh và Hàn Quốc đã đặt hàng vaccine để chuẩn bị cho chương trình tiêm chủng tăng cường.
Tổng Giám đốc Bancel nhận định: “Tôi tin rằng từ mùa thu năm 2022 trở đi, chúng ta sẽ cần tiêm tăng cường thêm. Những người lớn tuổi, hoặc người có bệnh sẵn có thể cần tiêm vaccine tăng cường hằng năm trong nhiều năm tới. Chúng tôi tin rằng loại virus này sẽ không biến mất. Chúng ta cần phải sống chung với nó”.
Tháng trước, Moderna công bố dữ liệu sơ bộ cho thấy, liều tiêm tăng cường 50mg giúp làm tăng lượng kháng thể ngăn chặn sự lây nhiễm từ biến thể Omicron lên gấp 37 lần. Với liều tiêm tăng cường 100mg làm tăng mức kháng thể lên gấp 83 lần.
Có thể nói rằng, những mũi tiêm tăng cường ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các chiến lược sức khỏe cộng đồng để kiểm soát virus, nhất là trong bối cảnh 2 mũi tiêm cơ bản đã chịu một đòn giáng mạnh, khi biến thể Omicron xuất hiện và lây lan khắp mọi nơi trên thế giới.
Đan Lê (Lược dịch từ CNA & CNBC)