Các nước bắt đầu nhìn thấy lợi ích của việc triển khai thực thi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Ảnh minh họa: Splash247/VTV.vn
Một số người tin rằng, sự thúc đẩy tạo nên do RCEP là tương tự với việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), một số thậm chí còn công bố kế hoạch chuyển trọng tâm thị trường để tận dụng hết lợi ích từ hiệp định RCEP.
Các dự đoán thống kê của một tổ chức tư vấn hàng đầu của Trung Quốc chỉ ra rằng, hiệp định RCEP dự kiến sẽ thúc đẩy xuất khẩu của khu vực lên 18,3% vào năm 2035, phù hợp với kinh nghiệm của các doanh nghiệp. Được biết, một số nhà xuất khẩu và nhập khẩu đã chia sẻ cụ thể về cách thức hiệp định RCEP giúp họ tiết kiệm tiền và quan trọng hơn là tiết kiệm thời gian.
Công ty Công nghiệp Hải Nam Yanghang ở tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc là một trong những doanh nghiệp đầu tiên được hưởng chính sách thuế quan bằng 0 của RCEP. Vào ngày 1/1/2022, công ty đã được cơ quan hải quan Hải Khẩu cấp giấy chứng nhận xuất xứ RCEP.
“Với chứng nhận này, lô hàng nhôm sunfat trị giá 46.301 NDT 7.260 Yuan (Nhân dân tệ) mà chúng tôi xuất khẩu sang Nhật Bản hiện được hưởng ưu đãi thuế quan bằng 0, với mức giảm thuế khoảng 2.315 Yuan”, Li Xiaotao, người đứng đầu công ty cho biết.
Theo đó, vào năm 2022, công ty Công nghiệp Hải Nam Yanghang có kế hoạch mở rộng thị trường tại các nước thành viên RCEP, dự kiến công ty sẽ chứng kiến xuất khẩu tăng gấp nhiều lần so với năm 2021.
Kể từ khi RCEP chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2022, Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc (CCPIT) đã cấp 275 giấy chứng nhận xuất xứ RCEP cho 135 doanh nghiệp Trung Quốc từ 18 tỉnh thành và khu tự trị...
Theo nội dung RCEP, hơn 90% thương mại hàng hóa giữa các thành viên sẽ được áp dụng với mức thuế bằng 0.
Zhu Yong, một quan chức thương mại cấp cao ở Khu tự trị Tân Cương phía Tây Bắc Trung Quốc nhận định, khu vực tin tưởng rằng RCEP là một cơ hội quý giá để tham gia sâu hơn nữa vào tiến trình mở cửa chất lượng cao. Đồng thời, đây cũng là cơ hội tốt nhất để phát triển hoạt động kinh doanh kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO.
Có thể nói rằng, sự lạc quan của các công ty thương mại và nhà xuất khẩu Trung Quốc được cho là có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực duy trì ngoại thương ổn định của đất nước vào năm 2022, trong bối cảnh toàn cầu vẫn gặp nhiều khó khăn. Việc triển khai nhanh chóng hiệp định mới được nhận xét là điều cần thiết để đạt được thành công cho cả năm.
Trong một thông tin có liên quan, trong 11 tháng đầu năm 2021, thương mại của Trung Quốc với 14 nước thành viên tham gia ký kết hiệp định RCEP khác đạt tổng cộng 10,96 nghìn tỷ Yuan, chiếm 31% tổng ngoại thương của Trung Quốc.
Trong đó, máy móc và thiết bị, sản phẩm nhựa và thiết bị điện nhập khẩu được hưởng mức giảm thuế lớn nhất của RCEP.
Các ngành truyền thống sử dụng nhiều lao động ở Đông Nam Á cũng được hưởng lợi từ RCEP, theo dữ liệu hải quan thông tin.
Không dừng lại ở đó, sản phẩm trái cây tươi từ các quốc gia thành viên ASEAN sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ chính sách thuế quan bằng 0 và lợi ích từ việc tạo thuận lợi trong điều kiện hải quan theo nội dung của RCEP, bởi thời gian sản phẩm từ các trang trại đến siêu thị sẽ được rút ngắn đi trông thấy.
So với Trung Quốc, phản ứng của Thái Lan có phần điềm tĩnh hơn. Trung tâm KResearch có trụ sở tại Bangkok cho rằng, có thể là do niềm tin về lợi ích mà RCEP mang lại vẫn còn chưa cao. Tuy nhiên, trung tâm đã chỉ ra một số mặt hàng nông sản, thực phẩm và sản phẩm công nghiệp của Thái Lan sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ việc thực thi hiệp định.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin nhận định rằng, Trung Quốc và ASEAN đang đứng trước những cơ hội mới trong tiến trình tăng cường hợp tác toàn diện với hiệp định RCEP hiện có.
Vào tháng 11 vừa qua, Trung Quốc đã tuyên bố phấn đấu nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá 150 tỷ USD từ ASEAN trong giai đoạn 5 năm.
Ông Wang Wenbin cũng khẳng định, việc thực hiện hiệu quả Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là một thắng lợi lớn đối với chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do. Là một trong những quốc gia thành viên đầu tiên hoàn thành quá trình phê duyệt RCEP, Trung Quốc luôn duy trì hệ thống thương mại đa phương và trong bước tiếp theo, Trung Quốc sẽ luôn cùng các bên tham gia tích cực vào việc xây dựng cơ chế RCEP ngày càng lớn mạnh.
Đan Lê (Lược dịch từ Global Times)