Suối Cheonggyecheon ở Seoul sau khi được phục hồi thu hút rất nhiều du khách tham quan - Ảnh: STARI4EK

Các cơ quan và tổ chức trên lĩnh xướng kêu gọi các TP trên toàn cầu nên đầu tư nhiều hơn cho việc mở rộng không gian xanh, nuôi dưỡng các hệ sinh thái tự nhiên để giải quyết các rủi ro do biến đổi khí hậu và thúc đẩy nền kinh tế.

Hợp thời, hợp lý

Bà Akanksha Khatri, trưởng mảng tự nhiên và đa dạng sinh học của WEF, cho biết quan điểm phổ biến trước đây là phát triển đô thị và môi trường trong lành khó đồng hành cùng nhau nay đã không còn phù hợp.

"Thiên nhiên hoàn toàn có thể là xương sống của phát triển đô thị. Bằng cách xem các TP là những sinh thể sống, chúng ta có thể mang lại các điều kiện tốt nhất cho sức khỏe của con người, môi trường và nền kinh tế ở khu vực đô thị", bà nói.

Nghiên cứu cảnh báo nếu các TP không bảo vệ môi trường sống tự nhiên, 44% tổng sản phẩm quốc nội - tương đương 31.000 tỉ USD trên toàn cầu - sẽ gặp rủi ro. 

Rủi ro tự nhiên phổ biến nhất với hơn 1.600 TP có từ 300.000 dân trở lên là lũ lụt. Các mối đe dọa lớn khác là tác động của khí hậu và thiên tai như hạn hán, các đợt nắng nóng gay gắt, ô nhiễm nước và không khí gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Hiện nay, các TP chỉ dành 0,3% chi tiêu cho cơ sở hạ tầng từ "các giải pháp dựa vào tự nhiên" - tức chỉ khoảng 28 tỉ USD trong năm 2021. 

Nghiên cứu cho thấy nếu thế giới chi 583 tỉ USD mỗi năm cho các giải pháp và dự án để giải phóng đất đai ở đô thị, dành chỗ cho thiên nhiên, sẽ có thể tạo ra hơn 59 triệu việc làm, trong đó có 21 triệu việc làm dành cho việc khôi phục và bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên.

Các giải pháp dựa vào tự nhiên trung bình tiết kiệm chi phí hơn 50% so với các giải pháp nhân tạo, bêtông hóa như đường sá, tòa nhà... 

Bên cạnh đó, nếu đầu tư một khoản lớn hơn trong ngân sách vào "cơ sở hạ tầng xanh" như công viên, cây xanh bên đường, hồ nước, phủ xanh các mái nhà... những thiệt hại kinh tế của các TP do thiên tai có thể ngăn chặn được.

Các bằng chứng sống động

Ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc, chính quyền TP đã kiên trì thuyết phục người dân để khôi phục suối Cheonggyecheon, một con suối bị lấp để xây đường cao tốc trên cao trong nhiều thập kỷ.

Dự án phục hồi con suối này được thực hiện vào đầu những năm 2000 và mang lại những hiệu quả rõ rệt. Theo trang landscapeperformance.org, dự án đảm bảo khả năng chịu các trận lũ lụt lịch sử 200 năm có một và nhiều lợi ích khác.

Theo số liệu thống kê trong giai đoạn 2003 - 2008, việc phục hồi suối Cheonggyecheon mang lại nhiều lợi ích kinh tế hữu hình. Con suối mỗi ngày thu hút trung bình 64.000 người tham quan, trong đó có 1.408 du khách nước ngoài, với tổng chi tiêu lên đến 1,9 triệu USD.

Suối Cheonggyecheon cũng giúp tăng giá bất động sản trong vòng bán kính 50m tính từ dự án lên 30-50% và thu hút nhiều đầu tư cho tái phát triển đô thị.

Ngoài ra, nó còn giúp giảm lưu lượng giao thông ra vào khu vực xuống 18%, tăng lượng người đi tàu điện ngầm tại trung tâm 13,7%, giảm lượng phát thải khí NO2 34%, giảm ô nhiễm không khí có bụi mịn 35%.

Việc tăng cường mảng xanh cho đô thị cũng cho thấy hiệu quả trong việc ngăn chặn thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Sau trận lở đất kinh hoàng năm 2017 khiến 1.141 người thiệt mạng và hơn 3.000 người mất nhà cửa ở thủ đô Freetown, quốc gia châu Phi Sierra Leone đã lên kế hoạch phục hồi, trong đó huy động người dân cùng trồng 21.000 cây bản địa để giảm nguy cơ thảm họa trong tương lai ở các sườn đồi trọc.

Do mưa lớn bất thường và tác động từ việc mở rộng đô thị, lãnh đạo thủ đô thực hiện chương trình "Freetown the Treetown" (tạm dịch: Freetown, thủ phủ cây xanh) để tăng độ che phủ xanh lên 50% vào cuối năm 2022.

"Biến đổi khí hậu đang thúc đẩy sự công nhận rộng rãi hơn với lợi ích của việc đầu tư vào tự nhiên. Ngay cả những người chỉ muốn nghĩ đến tiền cũng nhận ra mối liên hệ này" - Robert McDonald, nhà khoa học của Tổ chức toàn cầu The Nature Conservancy và là thành viên của Ủy ban toàn cầu BiodiverCities, cho biết.

Cần sớm thay đổi tư duy

Chuyên gia Robert McDonald cho biết chỉ cần tăng gấp đôi chi tiêu cho cơ sở hạ tầng xanh - một phần nhỏ trong các dự án hạ tầng đô thị - sẽ tạo ra sự "chuyển biến rõ rệt trong cảm nhận khi sống ở các TP".

Tuy nhiên cho đến nay, xu hướng phát triển cơ sở hạ tầng bằng bêtông cốt thép vẫn đang thắng thế. Để đạt đến những lợi ích đầy đủ của việc mở rộng không gian tự nhiên ở đô thị, cần có sự hợp tác giữa các cơ quan chính quyền, các công ty và người dân trong thay đổi tư duy, tầm nhìn.

 

Theo Tuoitre