Hướng đến tái thiết và xây mới các tòa nhà bền vững là điều cần thiết cho cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa: Shutterstock/VTC News
Bài báo được thực hiện với sự hợp tác của Accenture cũng lưu ý rằng, có rất nhiều công nghệ giúp khử Carbon trong lĩnh vực này, song cần phải tăng tốc đầu tư để triển khai các giải pháp trên quy mô lớn ở nhiều thành phố trên thế giới.
Với hơn một nửa dân số thế giới sống ở các thành phố và tạo ra 70% lượng khí thải Carbon, các thành phố đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, WEF khẳng định.
Theo đó, một số nhà lãnh đạo của các tòa nhà bền vững đã bắt đầu xem xét các tác động xã hội và môi trường trong quá trình ra quyết định hành động. Ngoài ra, hiện đang tồn tại nhiều trở ngại khi đầu tư vào các tòa nhà không phát thải, với vấn đề liên quan đến tài chính, thực tế và cả nhận thức.
Để vượt qua những rào cản, WEF cho biết: “Khung giá trị xây dựng các thành phố phát thải ròng bằng 0” sẽ tìm cách tăng tốc đầu tư vào lĩnh vực này.
Về hành động của các công ty, đơn cử như công ty bất động sản Extensa của Bỉ đã sử dụng công nghệ địa nhiệt và năng lượng mặt trời để cải tạo và tân trang lại một nhà ga cũ ở Brussels.
Trong khi đó, ở Turin (Italy), thành phố đã phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ năng lượng thông minh hàng đầu Enel X để trang bị thêm nhiều thiết bị, bộ phận mới cho các tòa nhà để sử dụng năng lượng hiệu quả và tái tạo năng lượng tại chỗ.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho rằng, tính linh hoạt của Khung giá trị xây dựng có nghĩa là nó có thể được sử dụng để trang bị và tân trang lại các tòa nhà hiện có, cũng như để xây dựng các tòa nhà mới theo hướng bền vững hơn.
“Sự cấp thiết phải chuyển đổi các thành phố trên thế giới hướng đến một tương lai không phát thải là điều rất rõ ràng. Khung giá trị xây dựng thể hiện một cách tiếp cận để giúp đẩy nhanh các khoản đầu tư cần thiết nhằm mang lại một môi trường đô thị xanh hơn”, WEF thông tin thêm.
Nếu thế giới muốn bắt kịp mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu xuống dưới 1,5oC so với thời tiền công nghiệp, cần phải chuyển đổi sang một thế giới điện hóa sạch.
Đan Lê (Lược dịch từ Devdiscourse)