Do dịch kéo dài, nhiều trường học trên toàn thế giới vẫn đóng cửa do dịch COVID-19. Ảnh minh họa: UN/Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Trong khi đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của nhiều người ở các thế hệ già hơn, những người trẻ tuổi có thể dễ dàng nhìn thấy ảnh hưởng lên đời sống, sinh kế trong suốt nhiều năm làm việc. Từ góc độ này, nền kinh tế cũng có thể tồn tại một loại hậu quả sau COVID-19, với mỗi thế hệ mang trong mình một vết sẹo khác nhau.

Biểu đồ The Chart of Week đã cho thấy thời gian đến trường bị gián đoạn đối với những người từ 5 – 19 tuổi, lớp dân số chiếm khoảng ¼ dân số thế giới. Hiện nay, sau hơn hai năm kể từ khi dịch bệnh bùng phát, hàng triệu trường học trên toàn thế giới vẫn phải đóng cửa. Trong đó, có nhiều trường học thậm chí còn bị đóng cửa lần thứ hai do ảnh hưởng của biến thể Omicron với khả năng lây nhiễm cao.

Hơn nữa, những mất mát mà học sinh, sinh viên trên toàn thế giới phải chịu đựng là bất bình đẳng. So với các nền kinh tế tiên tiến, tình trạng đóng cửa trường học trong 2 năm đầu đại dịch kéo dài gần như gấp đôi tại các nước đang phát triển. Tác động tiêu cực của cú sốc này thậm chí càng lớn hơn, bởi tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học ở các nước đang phát triển nhiều gần gấp đôi con số ghi nhận tại các quốc gia giàu có hơn.

Cơ quan liên quan thuộc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính, thiệt hại giáo dục gây nên do đóng cửa trường học vào cuối năm 2020 được ghi nhận ở ¼ năm học tại các nền kinh tế tiên tiến, thậm chí là đến ½ năm học ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Biểu đồ thống kê cho thấy, những mất mát bất bình đẳng trong học tập giữa các quốc gia vẫn tồn tại cho đến tháng 10/2021.

Những căng thẳng như vậy cũng nhấn mạnh thách thức đối với sinh viên tốt nghiệp khi tham gia vào các thị trường lao động yếu kém. Những người tham gia vào lực lượng lao động trong bối cảnh suy thoái kinh tế đối mặt với triển vọng việc làm và tiền lương yếu hơn, tương tự như những gì xảy ra trong cuộc Đại suy thoái năm 2007 – 2009. Phân tích trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới đưa ra hồi tháng 10 của Quỹ IMF cho thấy, triển vọng thị trường lao động đối với lao động trình độ thấp và thanh niên vẫn tương đối ảm đạm hơn so với các nhóm khác, qua đó chỉ ra sự gia tăng về vấn đề bất bình đẳng và khả năng dễ rơi vào tình trạng nghèo đói cao hơn.

Cùng với nhau, những tác động này có thể gây ra hậu quả kinh tế kéo dài trong nhiều thập kỷ, nhìn thấy qua việc học hành sa sút, năng suất thấp hơn và gián đoạn việc làm. Theo một báo cáo gần đây của Liên Hiệp quốc và Ngân hàng Thế giới (WB), các sinh viên trong thời đại dịch có thể mất đến 17 nghìn tỷ USD trong thu nhập suốt đời.

Đây chính là lý do vì sao điều quan trọng là phải chấm dứt cuộc khủng hoảng này. Như đề xuất về đại dịch của IMF đã nhấn mạnh: Cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ không kết thúc cho đến khi cuộc khủng hoảng sức khỏe tiếp tục được kiểm soát ở khắp mọi nơi. Các nhà hoạch định chính sách nên tập trung vào mạng lưới an toàn xã hội đang bị căng thẳng nghiêm trọng, cũng như đầu tư hơn nữa vào các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục.

Đan Lê (Lược dịch từ IMF)