Cũng về câu chuyện biến đổi khí hậu, ông Nguyễn Việt, chuyên gia khí tượng thủy văn của Thừa Thiên Huế không khỏi lo ngại khi cho hay, trong tháng 3 vừa qua, Thừa Thiên Huế nói riêng và khu vực Trung Trung Bộ có lượng mưa thấp nhất, với mực nước kiệt nhất kể từ nhiều năm nay.
Một hiện tượng dị thường khác xảy ra trong tháng 3 vừa qua là mưa lụt trên diện rộng khiến hàng ngàn ha hoa màu và lúa ở các tỉnh khu vực Trung Trung Bộ bị ngập. Đây là trận mưa lũ bất thường khiến mực nước trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi lên cao nhất so với cùng thời kỳ, tính từ năm 1976 đến nay. Về tình hình bão, theo như mọi năm thì từ tháng 5 trở đi mới bắt đầu xuất hiện bão trên biển Thái Bình Dương và tháng 6 mới xuất hiện ở Biển Đông, nhưng năm nay, mới đến hết tháng 3 đã xuất hiện 4 cơn bão. Trong những ngày đầu tháng 2, dù chỉ vừa kết thúc mùa đông mà thời tiết đã nắng nóng như mùa hè, ve kêu sớm hơn cũng là hiện tượng không bình thường.
Theo kịch bản dự báo, nhiệt độ ở Thừa Thiên Huế sẽ tăng 0,50C vào năm 2020, 1,40C vào năm 2050 và 2,60C vào năm 2100. Lượng mưa trung bình năm tăng tương ứng 0,5% vào năm 2020, 3,7% vào năm 2050 và 6,8% vào năm 2100 với xu thế giảm trong mùa khô và tăng trong mùa mưa. Do vậy, về mùa khô, hạn càng nặng nề hơn, về mùa mưa lũ, lụt càng dữ dội hơn.
Nghiên cứu của chuyên gia Nguyễn Việt cho thấy, tổng lượng mưa ở Huế so với cách đây 30 năm thấp hơn 5%. Số cơn bão ảnh hưởng trực tiếp giảm 30% so với 30 năm trước. Tuy nhiên, dưới tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, ngày càng xuất hiện nhiều cơn bão cường độ mạnh như bão Yangsane (2006), Ketsana (2009), Haiyan (2013)... gây thiệt hại rất lớn về người và của. Trong 20 năm gần đây, dưới tác động của biến đổi khí hậu, số trận lũ tăng 26% và đỉnh lũ tăng 11%.
Về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Thừa Thiên Huế và các tỉnh khu vực Trung Trung Bộ có đặc điểm địa hình eo thắt, có các dạng địa hình, các sông đều dốc. Riêng Thừa Thiên Huế có đầm phá Tam Giang-Cầu Hai-Lăng Cô nên có nguy cơ hứng chịu những thiên tai, địa họa cao. Hiện tượng sạt lở bờ sông với trên 84 điểm có chiều dài khoảng 80km và trên 30km bờ biển là quy luật tự nhiên, nhưng trong 10 năm trở lại đây, do tác động của biến đổi khí hậu, hiện tượng này diễn ra càng nhanh và mạnh hơn. Nhiều người lo sợ rằng nếu không có giải pháp ngăn chặn kịp thời và thường xuyên thì e rằng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai trong tương lai sẽ thông luôn với biển.
Theo các chuyên gia, Thừa Thiên Huế có thành phần nông nghiệp, nông dân, nông thôn chiếm tỷ lệ còn cao. Có hơn 300.000 dân (khoảng 1/3 dân số toàn tỉnh) sống ở vùng quanh đầm phá, chủ yếu bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt thủy sản và nuôi trồng thủy sản. Họ là những người chịu rủi ro nhất khi nước biển dâng và thiên tai bão lũ. Do đó, việc xây dựng các giải pháp, chiến lược ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu rất cấp bách và cần cụ thể đối với từng ngành, từng lĩnh vực và quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương.
Về giải pháp ứng phó, Thừa Thiên Huế đã có hàng loạt văn bản có tính pháp lý ra đời và nhiều mô hình sinh kế, sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu đi vào cuộc sống như: mô hình quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng, xây dựng làng an toàn, nhà chống bão; trồng rau trên giàn mùa lụt, nuôi trồng thủy sản xen canh, phục tráng giống lúa chịu mặn; trồng rừng ngập mặn trên một số khu vực đầm phá Tam Giang- Cầu Hai, trồng cây tra, cây hóp chống sạt lở bờ biển, ngăn bão; bảo tồn đa dạng sinh học...
Tuy nhiên, để giúp người dân và nhà quản lý sớm lường trước diễn biến, việc cần làm là sớm hiện đại hóa mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn để có dự báo kịp thời, chính xác. Coi trọng quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên nước, điều hòa chia sẻ và cân đối nguồn nước giữa các lưu vực, thực hiện đầy đủ quy trình vận hành liên hồ chứa kể cả mùa lũ và mùa khô, nhằm hạn chế lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn. Tiếp tục xây dựng những dự án tạo sinh kế cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng. Nghiên cứu, hỗ trợ áp dụng các công nghệ mới, giải pháp khoa học kỹ thuật hiện đại chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và biện pháp canh tác mới phù hợp với biến đổi khí hậu; xây dựng hệ thống giao thông, công trình đảm bảo thích ứng, giảm nhẹ tác động và các mô hình, công nghệ sản xuất xanh, thân thiện môi trường...
Trên thực tế, tác động của biến đổi khí hậu đã diễn ra hàng ngày trước mắt, gây ra nhiều thiệt hại. Nếu không có kế hoạch ứng phó sớm thì hậu quả sẽ khó lường.