Có nhiều yếu tố dẫn đến lợi thế cạnh tranh trên thương trường như tài nguyên, lợi thế đất đai thổ nhưỡng, khoa học công nghệ và đặc biệt là yếu tố con người. Chuyên môn, tay nghề, trình độ quản lý cùng với kỹ thuật tiên tiến là những yếu tố tạo nên năng suất lao động. Năng suất lao động càng cao, sức cạnh tranh càng lớn, lợi nhuận sản xuất càng nhiều, tăng khả năng cạnh tranh về giá cho hàng hóa cùng chủng loại trên thị trường.
Có một câu chuyện cụ thể là con cá ngừ đại dương của Bình Định. Cũng là cá ấy nhưng đánh bắt, sơ chế với kỹ thuật lạc hậu của ta thì bán rất rẻ. Lãng phí tài nguyên, hiệu qủa sản xuất thấp khi trong số hàng vạn tấn cá đánh được mỗi năm, chỉ vài chục phần trăm trong số đó đủ chất lượng xuất khẩu. Thế nhưng, với kỹ thuật đánh bắt tiên tiến của Nhật, cá ngừ đại dương của ngư dân Bình Định đã được xuất khẩu với giá cao gấp 4 lần, đủ sức cạnh tranh trên thị trường Nhật.
Con số thống kê từ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy, Việt Nam là nước có năng suất lao động ở mức thấp nhất châu Á. Năng suất lao động của Việt Nam hiện chỉ bằng 1/5 của Malaysia và 1/15 của Singapore. Đây là rào cản lớn cho doanh nghiệp Việt trong hội nhập.
Với Thừa Thiên Huế, do những hạn chế về giao thông, đất đai, thời tiết… vấn đề cạnh tranh khi hội nhập rõ ràng sẽ khó khăn hơn. Do đó, để ra được biển lớn, mỗi doanh nghiệp phải đầu tư tốt hơn cho nhân lực, chủ động ứng dụng công nghệ, nhạy bén, sắc sảo trong điều hành quản lý. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng phải nhận được hỗ trợ nhiều hơn từ môi trường đầu tư thông thoáng, cơ chế chính sách phù hợp, với một đội ngũ lao động được đào tạo có chuyên môn, kỹ năng từ xã hội. Yêu cầu hội nhập đòi hỏi lao động phải có tay nghề cao, có những kỹ năng mềm như giao tiếp công việc bằng ngoại ngữ, khả năng làm việc nhóm, khả năng giao tiếp trong công việc với người nước ngoài. Đây là những tiêu chí không dễ kiếm đối với doanh nghiệp Huế trên một thị trường lao động phấn lớn là phổ thông như hiện nay.