Ảnh minh họa: TTXVN

Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA) có trụ sở tại Mỹ, vào năm 2021, doanh số ngành bán dẫn toàn cầu đã đạt mức kỷ lục 555,9 tỷ USD, tăng 26,2% so với cùng kỳ một năm trước đó. Ngành công nghiệp này cũng đã xuất xưởng mức cao kỷ lục 1,15 nghìn tỷ đơn vị chất bán dẫn.

Ông John Neuffer, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của SIA cho hay: “Hồi năm 2021, trong bối cảnh tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu diễn ra, các công ty bán dẫn về cơ bản đã tăng cường sản xuất lên mức chưa từng có, nhằm giải quyết nhu cầu cao liên tục, dẫn đến doanh số bán chip và số lượng chip được xuất xưởng cao kỷ lục".

Tiếp đó, ông John Neuffer cũng lưu ý rằng, nhu cầu sản xuất chất bán dẫn được dự báo sẽ tăng đáng kể trong những năm tới, khi chip được đưa nhiều hơn vào các công nghệ thiết yếu của hiện tại và tương lai.

Đáng chú ý, cuộc khủng hoảng chip toàn cầu đã ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp, từ điện tử tiêu dùng cho đến các nhà sản xuất ô tô; đồng thời dẫn đến việc các Chính phủ và các nhà lập pháp trên khắp thế giới phải nỗ lực để đảm bảo nguồn cung cấp chip, cũng như đầu tư để đưa việc sản xuất chất bán dẫn về gần hơn.

Năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã dành 50 tỷ USD cho hoạt động sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn, một phần của gói kích thích kinh tế trị giá 2 nghìn tỷ USD. Trong một động thái liên quan vào tháng 2 này, Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố Đạo luật chip châu Âu mới, theo đó sẽ cho phép các khoản đầu tư công và tư bổ sung trị giá 15 tỷ euro (tương đương 17,11 tỷ USD) cho đến năm 2030.

Lê Thảo (Lược dịch từ CNBC)