Đêm đã về khuya, vẳng nghe có tiếng rao “Ai ăn trứng lộn, trứng ngang không?’’ Đó là tiếng rao của một người phụ nữ, như gần lại như xa. Rồi bỗng nhớ ra, có phải giờ này mới có tiếng rao hàng đâu. Hàng ngày, từ sáng đến tối vẫn vọng lại tiếng rao đấy thôi! Đó là nói về những tiếng rao thường xuyên qua ngõ; còn có những người rao bán hàng không thường xuyên; như tiếng rao của một ông cụ không biết ở vùng nào mà nghe khàn khàn: “Mài kéo mài dao, mài kéo mài dao, thay cán dao!”

Rồi có người rao mua. Có chị thường đi phía sau nhà có tiếng rao trầm, “Có áo quần cũ bán không; có áo quần cũ bán không?”... Vất vả là các bà đi mua ve chai... : “Chai bao dép bán không? Nhôm nhựa sắt bán không?”... Hồi còn khó khăn, toàn thấy các bà quảy gánh đi mua chai bao; đi hết các phố này đến phố kia; sáng mới nghe rao ở mạn Bắc sông Hương, nửa buổi lại nghe tiếng rao ấy ở phía Nam sông Hương.

Bâng khuâng nhớ lại..., tôi từng nghe thấy tiếng rao hàng từ lâu lắm rồi. Ngày còn bé, sống ở quê, từng nghe thấy những tiếng rao hàng có vần có điệu, lên bổng xuống trầm! Sinh động đến mức năm sáu mươi năm sau như vẫn còn nghe tiếng rao của ông bán kẹo kéo: “Kẹo kéo ăn béo đỏ da/Người già ăn trẻ lại/Con gái ăn chồng yêu/Người xiêu xiêu ăn đứng dậy...”. Cứ như kẹo kéo là kẹo tiên, ăn kẹo kéo sẽ có sức khỏe, tuổi trẻ và tình yêu! Còn các bà các chị lại để ý đến tiếng rao của ông làm nghề đồng nát. Tiếng rao của ông cũng thật ấn tượng: “Nhà có đồ đồng lủng-hàn, đổi-bán không?” (nghĩa là: Nhà ai có nồi đồng, thau đồng bị lủng (thủng) có muốn hàn lại không? hoặc có muốn đổi cái cũ lấy cái mới hơn không? Bây giờ không còn người làm nghề ấy nữa!

Mỗi người bán hàng rong có một cách rao riêng, nhưng tiếng rao của từng người thì không thay đổi từ năm này sang năm khác. Thành ra, cứ nghe tiếng rao là có thể hình dung ra dáng người, đôi quang gánh, đi bộ hay đi xe đẩy, xe đạp hay xe máy... Thời khắc đến, đi qua con phố cũng thường không mấy thay đổi. Thậm chí, khi nghe tiếng rao bán thức gì đó ở ngoài ngõ thì tôi có thể biết trời còn sớm, đã trưa, đã sang chiều, hay đã về đêm và người ấy đi từ phía nào lại!

Cuộc sống ngày càng hiện đại, bây giờ người ta đã sử dụng loa máy để rao mua rao bán, vừa không mất sức lại vừa có tiếng rao to. Hàng ngày tôi thường vẫn thấy những người đàn ông đi xe máy có gắn loa: “Bao nóng, bánh bao đây... bao đây... bao nóng đây”; “Mua điện thoại hư, mua điện thoại bể, mua laptop hư, laptop hỏng, ai có điện thoại hư, bể bán đi”...”. Những người mua bán hàng qua loa đã biết sử dụng sức mạnh của phương tiện máy móc, và có lúc nó đã đạt được mục đích nhất định. Nhưng rồi qua thời gian nó đã bộc lộ những hạn chế. Là sản phẩm của máy móc nên nó cũng thật máy móc. Có khi, người bán bánh cho xe dừng lại, vào quán nói chuyện phiếm với bạn bè, không tắt máy, ngoài xe tiếng rao qua vẫn không ngừng nghỉ. Nghe mà sốt cả ruột.

Ôi, gánh hàng rong, tiếng rao hàng rong... sao khiến bao người phải để ý? Có người đã chụp được cả một bộ ảnh có ý nghĩa về gánh hàng rong; có người còn ghi âm được nhiều tiếng rao hàng rong làm xúc động lòng người; có nhạc sĩ đã sáng tác được những bài hát hay lấy đề tài về gánh hàng rong...

Lâu rồi không gặp, cách nay mấy hôm, trời vừa sáng, chị chai bao ở gần nhà chạy đến trước cổng mừng rõ nói: “Ông bà ơi, bé nhà con đậu vào trường cấp ba rồi; đậu rồi, đậu rồi, ông bà ơi...!” Thật phấn khởi, thật vui, như đã có thể ngẩng mặt được với đời!

NGUYỄN XUÂN CHÂU