Thủ tướng Australia Scott Morrison phát biểu. Ảnh minh họa: Guardian/Báo Dân trí
Năm 2020, Australia công bố cam kết tài trợ lớn nhất cho khu vực kể từ trận sóng thần xảy ra hồi năm 2004. Điều này tiếp tục diễn ra vào năm 2021, với Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, được thống nhất với Malaysia và sau đó là với ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN – Australia hằng năm diễn ra lần đầu tiên.
Liệu hoạt động này có dẫn đến sự gắn bó sâu sắc giữa Australia và Đông Nam Á không? Câu trả lời sẽ phụ thuộc cốt yếu vào mức độ phù hợp của Australia với các nhu cầu và lợi ích của Đông Nam Á. Sự liên kết cao hơn sẽ xây dựng tinh thần đoàn kết ngày càng tăng, trong khi sự khác biệt sẽ khiến Australia và Đông Nam Á ngày càng xa nhau.
Để Australia định hình tương lai chung với Đông Nam Á, Australia cần:
Không coi Đông Nam Á là sân khấu của sự cạnh tranh giữa các cường quốc
Australia cần tránh những câu chuyện coi khu vực Đông Nam Á như một chiến trường. Khu vực hoàn toàn không muốn tham gia vào các cuộc cạnh tranh và muốn được đánh giá với đúng giá trị.
Lời khuyên nhất quán với Australia là đối xử với các đối tác Đông Nam Á như những chủ thể tự trị, phù hợp với quan điểm của các nước trong khu vực, rằng họ không muốn coi mình là nạn nhân của những thay đổi địa chính trị và địa chiến lược.
Đáp ứng các ưu tiên của Đông Nam Á
Thông điệp thứ hai Australia cần bám sát là tập trung sự tham gia của Australia vào các nhu cầu của khu vực.
Cụ thể, sau khi đại dịch COVID-19 xảy ra, nhu cầu trước mắt là phục hồi. Vấn đề này được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá là không đồng đều. Các tác động của COVID-19 là thách thức lớn và kéo dài đối với các vấn đề như thất nghiệp, bất bình đẳng và sức khỏe tâm thần.
Với nguồn lực còn hạn chế, Australia cần phải có chiến lược nếu muốn tạo nên những đóng góp có giá trị. Điều này có nghĩa là tập trung vào một lĩnh vực mới nổi như kỹ thuật số và công nghệ, đồng thời đầu tư một cách thông minh...
Kết nối trên cơ sở của các mối quan tâm chung
Cuối cùng, Australia cần kết nối, gắn kết với khu vực dựa trên lợi ích chung, mối quan tâm chung. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi trong cách lập luận từ “những gì Đông Nam Á cần từ Australia” sang “các lợi ích chung có thể thúc đẩy mối quan hệ đôi bên cùng có lợi”.
Trong đó, cần tập trung hơn vào các nguyên tắc chung để hợp tác như tôn trọng chủ quyền quốc gia, giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng các hành vi cưỡng ép và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Bên cạnh đó, Australia cũng có thể mở rộng sức ảnh hưởng của mình từ chính phủ, sang đến quan tâm đối với người dân trong khu vực Đông Nam Á thông qua sự tham gia của xã hội dân sự. Mặc dù không thể tránh khỏi những mâu thuẫn, song điều quan trọng là phải tiếp tục thực hiện các mục tiêu nhân quyền đã nêu, bao gồm cả việc hợp tác và gắn kết với xã hội dân sự.
Khi hợp tác với khu vực Đông Nam Á, cả về phương diện khu vực và song phương, Australia nên củng cố một cách nhất quán về việc tập trung vào các lợi ích chung và quan hệ đối tác với khu vực. Dẫn lời tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN – Australia năm 2018 rằng: Chúng ta là những đối tác với vai trò quan trọng trong một khu vực năng động, đang trải qua những thay đổi lớn. Chúng ta cam kết tăng cường hành động chung để hình thành một khu vực an ninh và thịnh vượng cho người dân của các nước.
Đan Lê (Lược dịch từ Jakarta Post)