Nhân lực phục vụ trong các khách sạn đang thiếu hụt
Tâm cũng chỉ là một trong số rất nhiều người đã chọn một công việc khác, thay vì đeo đuổi để quay trở lại nghề. Cơm áo không đùa là một phần, nhưng ngay cả khi du khách nội địa đã trở lại với các điểm du lịch, ngay cả khi Việt Nam đã mở cửa các tuyến bay quốc tế như trước khi có COVID-19 và ngay cả khi các ca F0 đã không làm người dân quá lo ngại như trước vì vắc-xin đã được tăng cường, du lịch - dịch vụ vẫn là lĩnh vực còn phập phù so với nhiều lĩnh vực. Điều này dẫn đến giới hạn số lượng người mong muốn có những trải nghiệm ở một nơi chốn khác, vùng đất khác, không gian khác.
5% là công suất phòng trung bình của cả hệ thống dịch vụ lưu trú trên địa bàn cả nước và 80% lao động tại các cơ sở lưu trú phải nghỉ việc, chuyển đổi ngành nghề khác để kiếm sống là con số thống kê cuối năm 2021 được công bố từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Người bạn trẻ mà tôi biết cũng nằm trong số này, hoặc ở một phạm vi nhỏ hơn - là 1 trong số khoảng 5.000 lao động trực tiếp ở lĩnh vực này ở Thừa Thiên Huế đã phải xoay xở đủ việc để duy trì cuộc sống.
Đây cũng là điều đã được cảnh báo trước, trong và sau những làn sóng COVID-19. Nó cũng không phải chỉ là vấn đề của một vài cơ sở mà đã diễn ra ở quy mô rộng, trên phạm vi toàn cầu. Tại Việt Nam, hầu như các khách sạn, khu nghỉ dưỡng… đều thiếu lao động và lao động có nghề. Điều này cũng dẫn đến tình trạng lúng túng trong tổ chức và phục vụ khi lượng khách đổ đến các tỉnh, thành trọng điểm du lịch dịp Tết Nhâm Dần vừa qua vượt ngưỡng dự báo.
Cho dù điều này chỉ nằm trong một khung thời gian nhất định. Nhiều vấn đề khác sẽ được rút kinh nghiệm và điều chỉnh, song có một thực tế là chưa ai đoán định được về nguồn nhân lực cho du lịch - dịch vụ sẽ có một biểu đồ như thế nào trong thời gian đến. Thiếu và thiếu rất nhiều không chỉ ở lữ hành, lễ tân, quản trị, buồng phòng, bếp mà còn ở sale, nhân viên kỹ thuật, spa…
Mời gọi những người cũ, tuyển mới, tập huấn và đào tạo cấp tốc hoặc vừa làm, vừa đào tạo… có thể là những giải pháp tình thế của các cơ sở kinh doanh ở lĩnh vực này. Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp du lịch trong thời gian tới chắc chắn sẽ cao hơn, thậm chí còn khốc liệt nữa là một dự báo khác, trước mắt là để vận hành cho kịp với mùa du lịch đang tới gần trong ít tháng nữa. Đây là một ẩn số và việc thay đổi nó theo hướng tích cực, chắc chắn cần đến một quãng thời gian không hề ngắn.
Mâu thuẫn nằm ở chỗ khi trở lại, sản phẩm của các dịch vụ phải tốt và tốt hơn để “ghi điểm” với du khách như một sự đầu tư về chất lượng, hình ảnh. Trong khi đó, không chỉ người hiểu nghề, hay nói một cách khác là nhân sự có chất lượng đã vắng hơn mà ngay cả người biết nghề cũng vắng thiếu do những tác động đa chiều mang tính bào mòn của đại dịch. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến của người trong nghề cho rằng, đây cũng là cơ hội để củng cố chất lượng và thu hút nhân sự có trình độ chuyên môn cao.
Cơ hội như trên chắc không chia đều cho tất cả. Và nhân sự trong hoạt động kinh doanh du lịch dịch sự sẽ là điều làm cho các nhà quản lý, chủ doanh nghiệp loay hoay xoay xở trong một quãng thời gian khá dài nữa.
Bài: MINH HÀ - Ảnh: T. HUỆ