Người dân đi bộ trên một con đường ở Jakarta, Indonesia. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Theo đó, một số nhà hoạch định chính sách đang chuyển trọng tâm sang nỗ lực chống lại tình trạng lạm phát, khi vấn đề này trở thành một nguy cơ đối với sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Đáng chú ý, giá cả của các mặt hàng chủ chốt, vốn đã chứng kiến mức tăng vọt trước đó, thì nay lại tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh căng thẳng Nga – Ukraine đang diễn ra. Điều này gây thêm áp lực tăng đối với giá cả hàng hóa.

Cụ thể, ước tính trung bình của các nhà kinh tế được khảo sát bởi Hãng Thông tấn Bloomberg cho biết, Indonesia được dự báo ​​sẽ nâng lãi suất theo hợp đồng mua lại đảo ngược thời hạn 7 ngày (BI-7DRR) của Ngân hàng Trung ương Indonesia trong quý III năm nay. Ước tính này cho thấy thời điểm sớm hơn một quý so với dự báo được đưa ra trước đó, về mức tăng 0,25 điểm phần trăm đã được dự báo diễn ra trong quý IV năm nay.

Tiếp đó, lãi suất cơ bản thấp kỷ lục của Malaysia có khả năng sẽ chứng kiến mức tăng 25 điểm cơ bản trong cả quý III và quý IV năm 2022, tiến tới đạt mức 2,25% vào cuối năm nay. Ước tính này cũng sớm hơn 6 tháng so với dự báo được đưa ra trước đó.

Ngoài ra, các nhà kinh tế dự báo lãi suất cơ bản của Philippines sẽ tăng 0,5 điểm phần trăm trong quý IV năm nay, so với mức tăng 25 điểm cơ bản được đưa ra trước đó. Thái Lan, trong khi đó được dự báo sẽ không có sự thay đổi trong năm nay.

Các quốc gia khác như Singapore, nền kinh tế sử dụng ngoại hối làm công cụ để ổn định giá cả, được dự báo ​​sẽ thắt chặt hơn nữa chính sách trong cuộc họp chính sách tiếp theo, dự kiến được tổ chức vào tháng 4 tới, sau khi quốc gia này khiến các thị trường bất ngờ bởi một đợt điều chỉnh đột xuất về lãi suất cơ bản hồi tháng 1 vừa qua, đánh dấu đợt điều chỉnh đầu tiên trong vòng 7 năm.

Trong một diễn biến liên quan, nền kinh tế lớn nhất thế giới được dự báo sẽ chứng kiến đợt tăng lãi suất đầu tiên vào tháng 3 này. Theo dự đoán từ các chuyên gia kinh tế, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có 7 đợt nâng lãi suất trong năm 2022. Động thái này nhằm kiềm chế lạm phát, cũng như bảo vệ nền kinh tế Mỹ trước những tác động từ căng thẳng Nga - Ukraine.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ Bloomberg & Reuters)