Đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua địa bàn Thừa Thiên Huế

Ngẫm nghĩ sẽ thấy rõ, nơi nào càng phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đa dạng, thuận tiện, tính kết nối cao và mất ít thời gian di chuyển từ vùng này sang vùng khác thì kinh tế càng tăng trưởng nhanh và “sức hút” của quốc gia, địa phương đó càng mạnh.

Gần đây, Thừa Thiên Huế được đánh giá là một trong những địa phương đang nắm giữ “thời cơ vàng” trong phát triển hạ tầng giao thông và thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

Điểm qua những dự án (DA) lớn của quốc gia, vùng, tỉnh có tính lan tỏa đã, đang thực hiện ở Thừa Thiên Huế có thể thấy rất rõ: DA hầm đường bộ Hải Vân 2; DA cao tốc La Sơn - Túy Loan; Cam Lộ - La Sơn; DA Nhà khách T2 Cảng HKQT Phú Bài với công suất đón 5 triệu hành khách (trong đó 1 triệu khách quốc tế); DA đường ven biển dài hơn 120km... Bên cạnh đó, còn có các DA được tỉnh quy hoạch đầu tư xây dựng đã, đang hiện hữu từng bước kết nối liên vùng, tỉnh, huyện, như DA Phú Bài - Vinh Thanh; đường Phú Mỹ - Thuận An; Chợ Mai - Tân Mỹ; Phong Điền - Điền Lộc... Năm 2022, tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai hàng loạt DA hạ tầng giao thông lớn, như DA đường Tây phá Tam Giang kết nối TP. Huế đến Phú Vang; đường vành đai 3 và cầu Nguyễn Hoàng vượt sông Hương; đường Tố Hữu kéo dài kết nối với sân bay Phú Bài.

Thực tế, để triển khai hàng loạt DA lớn, nhỏ trên địa bàn cùng lúc và DA nào cũng mang tính cần thiết, cấp bách, Thừa Thiên Huế đứng trước những áp lực không nhỏ về khối lượng công việc “khổng lồ”. Tất cả các công việc đều phải tiến hành “cuốn chiếu”, từ khâu quy hoạch, thực hiện các thủ tục thiết kế, tìm nguồn vốn, lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn đơn vị thi công, giải quyết các thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng... Việc tìm kiếm nguồn lực đầu tư cũng không dễ dàng trong bối cảnh ngân sách có hạn, nguồn đầu tư công hạn hẹp và chỉ có thể chi tiêu cho DA đặc thù.

Đáng mừng với sự quan tâm mong muốn đưa Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, từ Quốc hội, Chính phủ đến lãnh đạo bộ, ngành Trung ương dành sự ưu ái, tạo mọi điều kiện thực hiện tốt các DA giao thông, tạo nền tảng cho sự phát triển đột phá của Thừa Thiên Huế trong một vài năm đến.

Đạt mục tiêu đề ra, điều bức thiết nhất hiện nay vẫn là xây dựng cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho hạ tầng giao thông, để các thành phần kinh tế mạnh dạn rót vốn vào các DA hạ tầng, hài hòa lợi ích cho cả Nhà nước, doanh nghiệp lẫn người dân. Thêm vào đó, hệ thống thủ tục pháp luật về đất đai, bồi thường giải tỏa cũng cần được thay đổi, chỉnh sửa, cập nhật cho phù hợp với thực tế cuộc sống, minh bạch, rõ ràng, tạo thêm thuận lợi trong thu hút nguồn lực xã hội tham gia thực hiện các DA.

Bài, ảnh: Song Minh