Thái Đình Lan đã từng qua núi Hải Vân năm 1836
Thái Đình Lan và sách “Hải Nam tạp trứ”
Thái Đình Lan (1801-1859) là người Bành Hồ, Trung Quốc. Năm 1835 ông thi đậu Hương tiến, thi xong ông theo thuyền buôn đi từ Phúc Kiến về Đài Loan, không may gặp bão, được ngư dân Việt Nam cứu và đưa về biển Thới Cần, tỉnh Quảng Ngãi, được quan viên nhà Nguyễn tiếp đãi chu đáo.
Sự việc được tâu lên triều đình, vua Minh Mạng châu phê đại ý như sau: “Viên này xuất thân văn học, không may bị tai nạn gió bão, đồ dùng, hành lý mất sạch, thật rất đáng thương. Trước đã được quan tỉnh ấy (Quảng Ngãi) cấp phát tiền gạo, ngoài số ấy, nay gia ân thưởng thêm cho tiền 50 quan, gạo 20 phương để có mà chi dùng qua ngày, để thể hiện cái ý trẫm thương xót người dân của thiên triều bị nạn. Người đi trên thuyền cũng theo tên, mỗi tháng cấp gạo cho mỗi người 1 phương”.
Thái Đình Lan ở lại Việt Nam khá lâu, viết “Hải Nam tạp trứ” để ghi lại những chuyện mắt thấy tai nghe. “Hải Nam tạp trứ” là tập “sáng tác và biên khảo” về vùng đất phía biển Nam mà số phận tình cờ đưa tác giả lạc chân tới. Tập sách gồm ba phần/quyển, phần thứ nhất “Thương minh kỷ hiểm” (Biển khơi gặp nạn) mang dáng dấp một câu chuyện truyền ly kỳ. Phần thứ hai, “Viêm hoang kỷ trình” (Trên đường phương Nam) như một du ký kết hợp “điều tra điền dã” về dân tình phong tục phương Nam. Phần thứ ba, “Việt Nam kỷ lược” giống một bộ sử ký mỏng nhưng khái quát lịch sử nước Việt từ đời họ Việt Thường cho đến đương triều Minh Mệnh, khá cụ thể từ Bắc thuộc qua các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Mạc, Lê trung hưng, Tây Sơn, Nguyễn... Hơn thế, “Việt Nam kỷ lược” còn ghi chép quy chế khoa cử, giáo dục, quan chế, quân đội, pháp luật, hành chính, địa lý, giao thương, nghề nghiệp... và một số phương diện đời sống địa phương, phong tục tập quán, tính cách, thói quen sinh hoạt ăn uống, mặc, ở hoặc giải trí của thường dân Việt Nam.
Phần giữa “Viêm hoang kỷ trình” chính là số phận nhân vật nổi chìm đầy hấp dẫn bởi chất lượng tự sự, về độ chân thực cũng như khả năng truyền cảm hứng cho người đọc. Từ ngày 21/12 năm Ất Mùi (1835) khởi hành ở Quảng Ngãi đến ngày 20/4 năm Bính Thân (1836) về tới Hạ Môn, bằng đường bộ (42 ngày) và đường thủy (33 ngày), cộng ngày nghỉ dọc đường tất cả là 118 ngày. Khoảng hơn 100 ngày trên đất Việt, Thái Đình Lan đã thu vào tầm mắt bao nhiêu sử liệu, sử sự, sử tình về cảnh trí không gian, sản vật, chế độ chính trị, tập quán địa phương và con người nước Việt.
Vài tư liệu Huế xưa qua “Hải Nam tạp trứ”
Dưới ngòi bút Thái Đình Lan hiện lên quang cảnh, khí hậu phương Nam với cây trái nhiệt đới “mít, mía, tre, cau”, với rừng sâu xanh biếc “voi bầy, hươu nai, tinh tinh, khỉ vượn, cây già cội cả, song mây chằng chịt,... chim công, chim trĩ, gừng phiên, nhục quế vị đằm...”, đồng bằng nối tiếp rừng núi, sông biển trùng điệp mênh mang.
Thời điểm ông đến Huế là dịp Tết Nguyên đán Bính Thân (1836), ông chứng kiến quang cảnh đầu năm rất náo nhiệt: “Hôm ấy là tối Ba mươi tết, các nhà đều dán bùa đào, ném pháo tre… Tục đầu năm đi chúc nhau cầu may, trên các đường phố người đông tấp nập, nào ca nào múa, tiếng reo cười huyên náo chuyển đất. Tôi dẫn theo một người tên là Bản, một người tên là Hồn Lương (người Hạ Môn), vào phủ đường chúc mừng năm mới quan phủ và xin được giới thiệu vào chúc mừng quốc vương…”.
Một điều đáng lưu ý là, ông đã qua Hải Vân từ Quảng Nam ra Huế không theo con đường độc đạo bình thường mà theo một con đường khác, và thấy: “Ngồi nghỉ dưới gốc cây cổ thụ, ngước lên thấy bức tường đá dựng đứng có tấm biển cổ gai tím dày khoảng 1 thước đề chữ lớn “Hải Sơn quan”. Ở đây đặt một viên đồn thủ và mấy chục tên lính cứng mạnh, khí giới súng ống bày la liệt, đúng là con chim cũng không bay qua nổi”.
Tại sao tấm biển đề là “Hải Sơn quan” mà không đề là “Hải Vân quan” như lâu nay người ta vẫn thấy? Có người giải thích là tấm biển xưa ghi “Hải Sơn quan”, sau này mới thay bằng tấm biển một mặt “Hải Vân quan” và mặt kia “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.
Thật ra không phải vậy, nhà nghiên cứu Tôn Thất Thọ trong cuốn “Theo dòng Triều Nguyễn” cho rằng: Tháng 2 năm Bính Tuất (1826), vua Minh Mạng đã cho “Xây đắp cửa Hải Vân ở đỉnh núi Hải Vân, phía trước phía sau đều đặt một cửa quan (ngạch trước viết ba chữ “Hải Vân quan”, ngạch sau viết sáu chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Mười năm sau, Thái Đình Lan qua núi năm 1836, tại sao ông ta không thấy? Là bởi ông Thái Đình Lan đã qua Hải Vân bằng đường khác. Núi Hải Vân thật ra là tên của 3 ngọn núi. Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết: “Núi Hải Vân phía đông nam huyện Phú Lộc, là chỗ giáp giới phủ Thừa Thiên và Quảng Nam”, còn “Phía Tây là núi Bà Sơn, phía Bắc là Hải Sơn, ba ngọn núi liên tiếp xen nhau”.
Sách “Đại Nam nhất thống chí” còn cho biết, thời Minh Mạng nhà vua cho đặt ở đây 3 quan ải: “đặt quan ải đèo Hải Sơn và hai quan ải ở núi Hải Vân, xây đá làm bậc để tiện đường đi; lại cho tên ngọn núi cao nhất là Cao An Lĩnh…”.
Theo đó, Thái Đình Lan đã đi qua Hải Vân bằng ải “Hải Sơn quan”.
Bài: Hồ Đăng Thanh Ngọc - Ảnh: TL