1. Trong hoạt động thường ngày ở nhiều cơ quan, không ít cán bộ ngồi bó chân trong bốn chân bàn, ít đi thực tế, không muốn giải quyết từ cơ sở vì… ngại. Một phần là quan liêu, nhưng sâu xa hơn họ không muốn đối diện khi phải giải quyết công việc khó hoặc dễ mang rủi ro cho bản thân.

Một điều băn khoăn khi chúng ta thường thấy xuất hiện cấp phó các cơ quan trả lời phỏng vấn, giải trình công việc mà ít khi thấy cấp trưởng. Có thể lý do bận xử lý nhiều công việc, nhưng một phần là tâm lý ngại đối diện với những vấn đề khó khăn, trả lời sai, không đáp ứng yêu cầu dễ bị “mất điểm”, có khi lại liên lụy đến trách nhiệm của bản thân. Tốt nhất “đẩy” xuống cấp phó cho an toàn.

Có những công việc trong thẩm quyền có thể giải quyết, xử lý nhưng thấy khó khăn nên “báo cáo thỉnh thị” lên cấp trên cho xong việc. Cuối cùng có những việc có thể giải quyết ở địa phương lại chuyển lên cấp trên, có khi lên đến Chính phủ, tạo nên tình trạng ứ đọng, giảm hiệu quả. Cấp quản lý theo thẩm quyền lại trở thành cấp trung gian, trung chuyển trách nhiệm, chờ vào cấp trên quyết định. Trong phối hợp giải quyết công việc chỉ muốn làm tròn phận sự, không dám cải tiến vì sợ làm lỡ có sai không ai bảo vệ. Cứ theo đúng “quy trình” cho yên chuyện, không ai trách móc, phê bình... là được.

Nguy hại nhất là biết những hành vi tham nhũng, hiện tượng tiêu cực không dám tố cáo, đấu tranh, xem như không biết. Lớn hơn nữa, những việc sai trái liên quan đến an ninh, ảnh hưởng chính trị chung của đất nước không dám phản bác, xem việc đó của người khác, của cơ quan chuyên môn. Xét về góc độ luật pháp những hành vi không làm hoặc làm không đầy đủ để xẩy ra hậu quả cũng phải chịu trách nhiệm. “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả...” là những  tội danh quy định trong Bộ Luật hình sự, được cụ thể hóa bằng các hành vi cụ thể. Trong đó, trốn tránh hay né tránh trách nhiệm dẫn đến hậu quả không thể biện minh là không làm thì không chịu trách nhiệm.

Trong điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay, cán bộ được giao quản lý khối tài sản lớn của Nhà nước, vị trí càng cao nếu né tránh trách nhiệm để thất thoát thì hậu quả càng nặng. Những biểu hiện nêu trên được gọi là “né trách nhiệm”,“lẩn tránh trách nhiệm”, là dạng chung của thiếu trách nhiệm, khác nhau chỉ là cấp độ.

2. Trách nhiệm là “Điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình” và yêu cầu là “phải bảo đảm làm tròn, nếu kết quả không tốt phải gánh chịu hậu quả” (Từ điển tiếng Việt). Trái ngược với trách nhiệm là “thiếu trách nhiệm”, “trốn tránh trách nhiệm” hay “né trách nhiệm”... Những biểu hiện này có cấp độ có khác nhau, xét cho cùng đều là không tốt, có khi còn gây ra những tai hại khôn lường. Khi thấy ai đó làm sai nhưng coi như không biết, không phải chức trách nên không tác động, nhắc nhở cũng là thiếu trách nhiệm.

Trong một xã hội, bất kỳ ai cũng có phần việc gắn với trách nhiệm riêng, trong đó trách nhiệm công vụ của người cán bộ lãnh đạo, quản lý được xem là hạt nhân. Suy cho cùng đó là trách nhiệm phải làm tốt nhất khi được Nhà nước, tập thể giao cho. Trách nhiệm công vụ đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức phải thực hiện nhiệm vụ đến cùng, không được thoái thác, bỏ bê, làm tắc trách.

Khi đánh giá cán bộ phải xem trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ ở mức độ nào để đánh giá cán bộ đó tốt hay xấu, tích cực hay cầm chừng, không thể nhận xét chung chung. Mỗi việc làm cần nghĩ đến hiệu quả, lường trước hậu quả, chỉ vì sợ rắc rối cho bản thân, để được yên thân thì kết quả khó có thể tốt hơn. Một người, một nhóm người, cả một hệ thống công quyền cũng xử sự kiểu né tránh như vậy sẽ sinh ra hội chứng vô cảm, vô trách nhiệm.

Tại Hội nghị đánh giá công tác 6 tháng đầu năm 2018 của Chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc (lúc đó là Thủ tướng Chính phủ) đã thẳng thắn phê phán: “Cứ ngại trách nhiệm, sợ trách nhiệm, né trách nhiệm… thì làm sao xã hội phát triển, đất nước phát triển được?".

Bước vào giai đoạn cạnh tranh toàn cầu, hiệu quả quản trị công vụ được xem là một trong những yếu tố quyết định thắng lợi, hướng tới những mục tiêu cao hơn. Đến giai đoạn này, đánh giá đảng viên, cán bộ lãnh đạo không chỉ “làm tròn” nhiệm vụ mà phải luôn có tư duy hoàn thành cao nhất. Tránh tư tưởng “an phận thủ thường”, “không làm không sai”, né tránh việc khó, đùn đẩy cho cấp dưới hoặc “đá” trách nhiệm lên cấp trên. Tinh thần “6 dám” được nêu ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 phải được xem là kim chỉ nam trong mọi hành động.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng quyết liệt chỉ đạo phòng chống tham nhũng: Ai chùn bước đứng sang một bên cho người khác làm. Cũng như vậy, những cán bộ “né” trách nhiệm không có chỗ đứng trong hệ thống công quyền nếu không tự chỉnh đốn thái độ làm việc trên tinh thần mới.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH