Ấn Độ dẫn đầu về các khoản đầu tư vào fintech ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Vneconomy
Theo một báo cáo mới, Ấn Độ dẫn đầu về các khoản đầu tư vào fintech ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với 5,94 tỷ USD được huy động từ 236 thương vụ trong năm ngoái.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng thu hút được nhiều nguồn tài trợ nhất trong năm 2020, với 1,50 tỷ USD được huy động từ 118 thương vụ. Ngành công nghiệp thanh toán Ấn Độ cũng chứng kiến mức tài trợ cao nhất, chiếm 45% tổng số vốn huy động được. Các công ty fintech của quốc gia này dự kiến sẽ đạt mức định giá từ 150 tỷ - 160 tỷ USD vào năm 2025.
Ấn Độ là điểm đến tiếp theo cho các nhà cung cấp dịch vụ fintech. Quốc gia này có dân số 1,3 tỷ người và trở thành một trong những thị trường lớn nhất trên thế giới mà bất kỳ nhà cung cấp dịch vụ fintech nào cũng muốn khám phá và khai thác.
Đất nước này là quê hương của một số công ty fintech sáng tạo nhất, đang trở thành hình mẫu toàn cầu về các mô hình kinh doanh độc đáo, với những công nghệ và sản phẩm đột phá. Nhiều công ty fintech của Ấn Độ đã huy động được số vốn đáng kể và thu được kết quả ấn tượng trong vài năm qua.
Hai trong số các công ty Fintech nổi bật đang tạo nên làn sóng ở Ấn Độ là PhonePe và Paytm, với sự phát triển theo cấp số nhân kể từ khi thành lập, cung cấp các giải pháp thanh toán và thương mại di động ở Ấn Độ, bao gồm các dịch vụ tương tự như chuyển tiền trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt tại các cửa hàng bán lẻ, thanh toán hóa đơn điện nước, phiếu mua hàng và thậm chí cả vé xem phim.
Quốc gia này cũng có tỷ lệ chấp nhận cao nhất với hơn 2.100 fintech. Theo thống kê của Statista, Ấn Độ có số lượng kỳ lân cao thứ hai ở châu Á – Thái Bình Dương và có mức độ tập trung cao thứ ba trên toàn thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc.
Trong khi đó, các khoản đầu tư mạo hiểm vào các fintech có trụ sở tại châu Á - Thái Bình Dương (APAC) đã tăng lên mức cao kỷ lục 15,69 tỷ USD trong năm 2021, tăng hơn gấp đôi so với con số 6,73 tỷ USD của năm trước đó.
Các công ty fintech của APAC đã đạt được 754 giao dịch trong năm 2021, tương ứng tăng 81% và 49% so với năm 2020 và 2019.
Đáng chú ý, dữ liệu cũng cho thấy lĩnh vực công nghệ tài chính ở Đông Nam Á tiếp tục phát triển mạnh, với mức kỷ lục 4,7 tỷ USD từ 217 giao dịch, tăng từ 1,13 tỷ USD của 118 thương vụ trong năm trước đó.
Báo cáo cũng cho biết thêm rằng vào năm 2022, thị trường tư nhân sẽ tiếp tục là nguồn cung cấp tài chính quan trọng cho các fintech khi lãi suất sắp tăng và sự biến động thị trường chứng khoán, kéo theo đó gây ảnh hưởng đến triển vọng của các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Bảo Nghi (Lược dịch từ Fintechnews)