Chuyện sách cổ, sách quý hiếm ở Huế bị chảy máu là một thực tế đáng quan tâm. Tuy nhiên, cũng không nên có cái nhìn quá bi quan về vấn đề này. Trong thời đại công nghệ thông tin, khi mà hầu hết sách cũ đều đã được dịch và đưa lên internet để cả thế giới cùng sử dụng thì rõ ràng, giá trị sử dụng của những cuốn sách cổ không còn mang tính độc tôn như ngày trước và đó cũng được xem là một tất yếu, một tiến bộ của văn minh nhân loại. Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, giá trị của sách cổ quý hiếm hiện nay nằm ở giá trị hiện vật (cổ vật).

Khi mà với công nghệ số, một thế giới sách khổng lồ chưa tìm thấy được hết giới hạn đang được mở ra thì cũng là lúc đặt ra vấn đề Huế cần phải làm gì và làm như thế nào để giữ vững vị thế là một trung tâm lưu trữ sách của cả nước. Bảo tồn và phát huy giá trị của những tủ sách gia đình, tủ sách cơ quan hay những trung tâm lưu trữ sách địa phương là cần thiết, nhưng rõ ràng đó chưa phải là mục tiêu lớn nhất mà Huế hướng tới. Vấn đề đặt ra ở đây là địa phương cần có một định hướng lâu dài mang tính chiến lược với một lộ trình phát triển phù hợp trong mục tiêu giữ vững và xây dựng Huế trở thành một trung tâm lưu trữ sách hàng đầu của quốc gia.

So với nhiều địa phương trong cả nước, Huế hiện có một hệ thống các cơ quan đơn vị làm nhiệm vụ lưu trữ sách và các tài liệu nghiên cứu khá lớn và hiện đại của địa phương và Đại học Huế. Thế nhưng, đã và đang có những dấu hiệu cho thấy sự chậm chân và tụt hậu của Huế ngay cả trong lĩnh vực này. Bằng chứng là bên cạnh chuyện “chảy máu” sách quý thì ngay trong công tác sưu tầm, phát hiện, lưu trữ, thực hiện số hóa các loại sách quý, tài liệu quan trọng trên địa bàn, được biết rất nhiều trong số đó đã và đang thực hiện bởi các đơn vị và cá nhân bên ngoài địa bàn. Tình trạng “chảy máu” này xem ra còn lớn hơn nhiều so với chuyện những cuốn sách quý hiếm bị bán ra khỏi Huế. Để giữ lại cho Huế, trong thời đại hiện nay, vấn đề không chỉ là công việc của riêng những người có tấm lòng thành với sách.

Đan Duy