Nhớ những đám ruộng xa lắc, gánh được hai bó lúa đến nhà cũng chợt vai. Mùa chiêm trũng, tôi mang cái ghế nặng chịch bì bõm lội ra dùng đặt lúa lên cột từng bó rồi vác đến bờ cao. Mệt lử. Mà vui. Người ta có thể ăn cơm nếp, xôi, lúa mì, các loại ngũ cốc nhưng chẳng ai ăn mãi những thứ đó. Gạo trở thành thức ăn chủ yếu của nhiều người. Ở biền người dân quê thường trồng gạo chiêm, hẻo rằn, hạt tròn, cơm mềm và nhiều tinh bột. Lúa làm ở biền khỏe là không cần làm cỏ, nhưng quá cực lúc gặt; gặp thời tiết không thuận, lúa bổ rạp, phải vớt lên từng nắm nhỏ, trưa trật mới gặt được một khoảnh, đĩa bám đầy chân. Lúa ruộng cạn thì phải làm cỏ mấy đợt, gặt rồi còn bứt toóc để cày lật đất cho vụ tới. Giai đoạn quan trọng nhất là làm cỏ sục bùn. Nước bơm vào, người người tranh thủ mang cuốc lên xới cỏ, kích thích rễ lúa phát triển mạnh hơn. Lúa chiêm thường được cất giữ đến ngày đông giá mới mang xay ăn dần. Gạo trắng ngon. Kỳ giáp hạt lương thực vơi nhiều, gia đình trộn thêm khoai sắn cũng không kéo dài hết mùa lạnh. Kho hợp tác mở bán giá rẻ cứu tế, cũng phải xếp hàng để mua thứ gạo nấu lên thoang thoảng mùi mốc, anh em tôi cứ chan nước mắm hoài vẫn thấy nhạt miệng. Cơm ít, thứ gạo này lại xốp; đêm ngồi học bài lưng buổi đã thấy đói. Nằm ngủ chợt mơ thấy mình dắt bò sao để nó ăn lúa, người ta la lên thế là về ăn đòn.

Hồi đó giống lúa mới là Tạp Giao, cao hơn Khang Dân, gọi là lúa vượt lũ, vẫn có nhà năng suất một sào đạt tới bốn tạ. Nhưng hai loại này chịu hạn kém hơn Bao Thai, thường được cấy vào hè thu. Vụ đông xuân, lúa trổ sớm chẳng may gặp gió mạnh sẽ thiệt hại. Kinh nghiệm nhà nông được rút ra truyền lại cho cả những đứa trẻ như tôi, rằng đừng thấy lúa chậm trổ mà vội bón đạm, chỉ nuôi cây bậm, lá xanh tốt. Dưới gốc lúa có nước, mát, trên đã phơi mao thường báo hiệu vụ mùa bội thu. Chúng tôi gọi đó là lúc lúa vừa “mang thai”. Tuổi nhỏ chưa hiểu nhiều, lũ chăn trâu vẫn thường nhổ những cọng bụ bẫm non tơ, bóc ra ăn thứ đòng đòng ngọt lịm…

Thương con trâu già sớm ấy chính tôi dắt ra chợ. Cũng mừng vì từ đó không còn phải theo nó lên đồng, không phải đi bứt cỏ nhổ rau dại vào những ngày rét thắt lòng. Chợt nghĩ, thuở ấy người nông dân làm ruộng, điều đầu tiên là nhờ trâu cày bừa, dùng phân trâu bón lúa, gặt xong cũng nhờ trâu kéo về, khổ nhất là trục lúa. Cái sân bé tẹo, trâu mang thay anh em tôi cái trục cứ bước quay vòng suốt buổi. Có được hạt gạo, con trâu góp nhiều công sức, nhưng chúng đâu được ăn; cám cũng chỉ dành cho gà heo. Trâu chỉ ăn rơm mà thôi. Buổi chợ hôm đó, về dọc đường tôi đã ngồi lại bên đường, chờ xem trâu nhà mình có ai dắt về không?

Ở Huế từng có loại gạo de tiến vua. Chẳng những tôi thích thú câu ca dao “Mẹ già ăn tấm gạo de, đẻ con tóc quắn đi ve cả làng” mà chính bởi gạo de cũng là một thành phẩm làm nên loại bánh đặc thù: bánh khô! Vật liệu gồm lúa nếp, gạo de, đường, gừng và hột nổ. Cái chảo lớn được nung bằng đất sét, gọi là trách đất; bắc lên bếp lửa còn phải đốt rơm trong lòng chảo cho nhanh nóng, rồi quét sạch, đổ lúa vào rang. Việc này phải là phụ nữ đảm nhiệm mới đều tay, hạt lúa bung đều. Cạnh bên có người cầm cái vung (hay dùng mẹt chắp thêm cái quai) che hờ phía trên kẻo vung vãi. Lúa bung vỏ là nhắc xuống đổ ra sàng sảy. Việc tiếp theo là xắt gừng, băm nhỏ; đến đường, đổ vào cối giã thành bột trộn vào nhau, điểm thêm ít hột nổ màu cho ngon mắt. Xong nén vào khuôn (được đóng chắc bằng gỗ dày) dùng trày lèn thình thịch hàng giờ. Bánh khô lèn càng chặt càng ngon, càng để được lâu. Lúc muốn ăn phải dùng tới dùi cui gò trên lưng dao mới cắt thành miếng. Đặt dĩa bánh lên bàn thờ cúng tổ tiên, cũng là dâng lên hết thảy sự chân thành của đời người. Khách tới nhìn lát bánh i xì biết ngay tầm thước cũng như ý thức hệ gia đình. Tiếc là giờ chẳng còn...

Nhụy Nguyên