Người dân tại Uganda được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Trước đó, hồi tháng 9/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đặt ra một mục tiêu toàn cầu đầy tham vọng. Cụ thể, cơ quan y tế của Liên Hiệp quốc (LHQ) đã kêu gọi tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho 70% dân số toàn cầu vào giữa năm 2022.

Tại thời điểm đó, chỉ có hơn 3% người dân ở các quốc gia có thu nhập thấp đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, so với 60,18% ở các quốc gia có thu nhập cao. Tuy nhiên, 6 tháng sau, thế giới vẫn còn ở xa mục tiêu nói trên.

Tổng số vaccine được triển khai đã tăng đáng kể; song, sự bất bình đẳng trong việc phân phối vaccine cũng mở rộng. Trong số 10,7 tỷ liều vaccine được tiêm trên toàn thế giới, chỉ 1% được sử dụng ở các quốc gia có thu nhập thấp. Điều này đồng nghĩa rằng, 2,8 tỷ người trên thế giới vẫn đang chờ để được tiêm mũi vaccine đầu tiên.

Sự bất bình đẳng về vaccine gây nguy hiểm cho sự an toàn của tất cả mọi người, và phần lớn là nguyên nhân dẫn đến sự bất bình đẳng gia tăng giữa các quốc gia, cũng như bên trong các quốc gia. Tình trạng này không chỉ có nguy cơ làm kéo dài đại dịch, mà sự thiếu công bằng vaccine còn dẫn đến nhiều tác động khác, làm chậm sự phục hồi kinh tế của toàn bộ quốc gia, các thị trường lao động toàn cầu, thanh toán nợ công, và khả năng đầu tư vào những ưu tiên khác của các quốc gia.

Phục hồi khó hơn bao giờ hết

2 năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các quốc gia nghèo hơn đang gặp khó khăn hơn bao giờ hết để phục hồi kinh tế, các thị trường lao động đang gặp vấn đề, nợ công vẫn ở mức cao, và ngân quỹ còn lại rất ít để đầu tư vào những ưu tiên khác.

Cũng theo phân tích mới được công bố của UNDP, đa số các quốc gia dễ bị tổn thương đều nằm ở khu vực cận Sahara châu Phi, bao gồm Burundi, Cộng hòa Dân chủ Congo, và Chad, nơi chưa đến 1% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Bên ngoài khu vực châu Phi, Haiti và Yemen vẫn đạt mức độ bao phủ vaccine là 2%.

Các nghiên cứu chỉ ra, nếu những quốc gia có thu nhập thấp có cùng tỷ lệ tiêm chủng như các quốc gia có thu nhập cao vào tháng 9 năm ngoái (khoảng 54%), thì tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của họ đã có thể tăng thêm 16,27 tỷ USD trong năm 2021.

Những quốc gia được tính toán là mất nhiều thu nhập tiềm năng nhất trong đại dịch, do sự bất bình đẳng về vaccine là: Ethiopia, Cộng hòa Dân chủ Congo, và Uganda.

Đáng chú ý, khoản thu nhập bị mất đi này có thể được sử dụng để giải quyết thách thức phát triển cấp bách khác, phù hợp với các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), tạo nên Chương trình nghị sự năm 2030 vì sự Phát triển Bền vững của LHQ.

Trong khi những đợt phong toả kéo dài được áp dụng trên toàn thế giới tác động đến người lao động ở khắp mọi nơi, thì những người ở các quốc gia đang phát triển lại bị ảnh hưởng một cách không cân xứng. Những quốc gia giàu hơn đã giảm nhẹ tác động bằng cách tăng cường hỗ trợ kinh tế cho cả lao động chính thức và phi chính thức, trong khi ở các quốc gia có thu nhập thấp, sự hỗ trợ đã thu hẹp trong giai đoạn 2020 - 2021.

Theo phân tích nói trên, việc tiếp cận khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 và nguồn tài chính đóng vai trò cần thiết đối với các quốc gia nghèo nhất, cùng với sự hỗ trợ phù hợp với tình hình ở mỗi quốc gia. Nếu sự bình đẳng vaccine không được xử lý sớm, hậu quả có thể nghiêm trọng. Qua đó, bà Michelle Bachelet, Cao ủy Nhân quyền LHQ nhận định, cần có sự hợp tác lớn hơn giữa các quốc gia, nhằm ngăn chặn đại dịch nhanh chóng, trong khi việc tiêm chủng bị trì hoãn có thể dẫn đến tình trạng căng thẳng xã hội và bạo lực leo thang…

Lê Thảo (Lược dịch từ UN News)