Thế giới

Liên Hiệp quốc chỉ ra mối liên hệ giữa thiếu công bằng vaccine và bất bình đẳng

ClockThứ Hai, 28/03/2022 15:22
TTH.VN - Tờ UN News ngày hôm nay (28/3) trích dẫn một nghiên cứu mới do Chương trình Phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) công bố cho biết, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ vaccine ngừa COVID-19 đã được triển khai ở các quốc gia đang phát triển, dẫn đến khoảng cách giàu nghèo ngày càng mở rộng.

WHO Foundation: Bất bình đẳng về vaccine sẽ khiến thế giới thiệt hại hàng nghìn tỷ USDHọc sinh, sinh viên các nước đang phát triển gánh chịu “vết sẹo đại dịch” sâu hơn gấp đôi

Người dân tại Uganda được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Trước đó, hồi tháng 9/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đặt ra một mục tiêu toàn cầu đầy tham vọng. Cụ thể, cơ quan y tế của Liên Hiệp quốc (LHQ) đã kêu gọi tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho 70% dân số toàn cầu vào giữa năm 2022.

Tại thời điểm đó, chỉ có hơn 3% người dân ở các quốc gia có thu nhập thấp đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, so với 60,18% ở các quốc gia có thu nhập cao. Tuy nhiên, 6 tháng sau, thế giới vẫn còn ở xa mục tiêu nói trên.

Tổng số vaccine được triển khai đã tăng đáng kể; song, sự bất bình đẳng trong việc phân phối vaccine cũng mở rộng. Trong số 10,7 tỷ liều vaccine được tiêm trên toàn thế giới, chỉ 1% được sử dụng ở các quốc gia có thu nhập thấp. Điều này đồng nghĩa rằng, 2,8 tỷ người trên thế giới vẫn đang chờ để được tiêm mũi vaccine đầu tiên.

Sự bất bình đẳng về vaccine gây nguy hiểm cho sự an toàn của tất cả mọi người, và phần lớn là nguyên nhân dẫn đến sự bất bình đẳng gia tăng giữa các quốc gia, cũng như bên trong các quốc gia. Tình trạng này không chỉ có nguy cơ làm kéo dài đại dịch, mà sự thiếu công bằng vaccine còn dẫn đến nhiều tác động khác, làm chậm sự phục hồi kinh tế của toàn bộ quốc gia, các thị trường lao động toàn cầu, thanh toán nợ công, và khả năng đầu tư vào những ưu tiên khác của các quốc gia.

Phục hồi khó hơn bao giờ hết

2 năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các quốc gia nghèo hơn đang gặp khó khăn hơn bao giờ hết để phục hồi kinh tế, các thị trường lao động đang gặp vấn đề, nợ công vẫn ở mức cao, và ngân quỹ còn lại rất ít để đầu tư vào những ưu tiên khác.

Cũng theo phân tích mới được công bố của UNDP, đa số các quốc gia dễ bị tổn thương đều nằm ở khu vực cận Sahara châu Phi, bao gồm Burundi, Cộng hòa Dân chủ Congo, và Chad, nơi chưa đến 1% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Bên ngoài khu vực châu Phi, Haiti và Yemen vẫn đạt mức độ bao phủ vaccine là 2%.

Các nghiên cứu chỉ ra, nếu những quốc gia có thu nhập thấp có cùng tỷ lệ tiêm chủng như các quốc gia có thu nhập cao vào tháng 9 năm ngoái (khoảng 54%), thì tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của họ đã có thể tăng thêm 16,27 tỷ USD trong năm 2021.

Những quốc gia được tính toán là mất nhiều thu nhập tiềm năng nhất trong đại dịch, do sự bất bình đẳng về vaccine là: Ethiopia, Cộng hòa Dân chủ Congo, và Uganda.

Đáng chú ý, khoản thu nhập bị mất đi này có thể được sử dụng để giải quyết thách thức phát triển cấp bách khác, phù hợp với các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), tạo nên Chương trình nghị sự năm 2030 vì sự Phát triển Bền vững của LHQ.

Trong khi những đợt phong toả kéo dài được áp dụng trên toàn thế giới tác động đến người lao động ở khắp mọi nơi, thì những người ở các quốc gia đang phát triển lại bị ảnh hưởng một cách không cân xứng. Những quốc gia giàu hơn đã giảm nhẹ tác động bằng cách tăng cường hỗ trợ kinh tế cho cả lao động chính thức và phi chính thức, trong khi ở các quốc gia có thu nhập thấp, sự hỗ trợ đã thu hẹp trong giai đoạn 2020 - 2021.

Theo phân tích nói trên, việc tiếp cận khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 và nguồn tài chính đóng vai trò cần thiết đối với các quốc gia nghèo nhất, cùng với sự hỗ trợ phù hợp với tình hình ở mỗi quốc gia. Nếu sự bình đẳng vaccine không được xử lý sớm, hậu quả có thể nghiêm trọng. Qua đó, bà Michelle Bachelet, Cao ủy Nhân quyền LHQ nhận định, cần có sự hợp tác lớn hơn giữa các quốc gia, nhằm ngăn chặn đại dịch nhanh chóng, trong khi việc tiêm chủng bị trì hoãn có thể dẫn đến tình trạng căng thẳng xã hội và bạo lực leo thang…

Lê Thảo (Lược dịch từ UN News)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thuốc giảm cân hỗ trợ giảm nguy cơ tử vong vì COVID-19

Hãng tin CNBC ngày 3/9 đưa tin, theo kết quả của một loạt nghiên cứu được Tạp chí Journal of the American College of Cardiology (JACC) - tờ tạp chí tim mạch uy tín nhất của Mỹ thực hiện, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng những người sử dụng thuốc giảm cân Ozempic và Wegovy ít đối diện với nguy cơ tử vong vì COVID-19 hoặc bị tác dụng phụ từ loại virus này.

Thuốc giảm cân hỗ trợ giảm nguy cơ tử vong vì COVID-19
Bất bình đẳng khi chịu tác động của nhiệt độ cao gây ra hàng ngàn ca tử vong không được báo cáo

Friederike Otto, nhà phân tích hàng đầu về tác động của khí hậu mới đây ra cảnh báo, sự bất bình đẳng khi đối mặt với thách thức cũng như tác động xấu của nhiệt độ đang gây ra hàng ngàn ca tử vong không được báo cáo ở các quốc gia và cộng đồng nghèo trên toàn thế giới. Điều này xảy ra sau khi nhiệt độ toàn cầu đạt mức cao kỷ lục chưa từng thấy.

Bất bình đẳng khi chịu tác động của nhiệt độ cao gây ra hàng ngàn ca tử vong không được báo cáo
WHO cảnh báo sự quay trở lại đáng lo ngại của COVID-19

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 7/8 đã lên tiếng cảnh báo khi các ca nhiễm COVID-19 đang tăng vọt trên toàn thế giới - bao gồm cả ở Thế vận hội Paris đang diễn ra, và gần như khó có thể suy giảm trong thời gian tới. Cơ quan này cũng lo ngại rằng các biến thể nghiêm trọng hơn của virus SARS-CoV-2 có thể sẽ sớm xuất hiện và lây lan.

WHO cảnh báo sự quay trở lại đáng lo ngại của COVID-19
Return to top