Đầu tư 38 tỷ đồng để giải tỏa di dời 113 hộ dân sống cạnh bờ sông An Cựu là chủ trương đúng, góp phần bảo đảm mỹ quan đô thị khi đây vốn là vùng trũng, ô nhiễm môi trường với đa số ngôi nhà do dân lấn chiếm xây dựng tạm bợ. Người dân thuộc diện di dời được đến nơi ở mới cao ráo hơn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật... là điều kiện để ổn định cuộc sống lâu dài dù điều kiện mưu sinh sau di dời trước mắt chưa thể đáp ứng được ngay.
Vấn đề dư luận thắc mắc là sau di đời, giải tỏa, UBND phường An Đông đã giao lô đất hơn 9.000m2 cho doanh nghiệp nhưng không thông báo, giải thích cho người dân. Vì lý do này, khi doanh nghiệp bắt đầu xây dựng công trình, thực hiện dự án chỉnh trang thì người dân lên tiếng phản đối.
Được biết, số diện tích trên được giao cho một doanh nghiệp với thời hạn 20 năm để làm công viên kèm dịch vụ giữ xe, bán cà phê, tổ chức các hội thi chim cảnh với mức giá 40 triệu đồng/năm và được điều chỉnh 5 năm một lần (với mức giá này, tính ra doanh nghiệp chỉ trả khoảng 3,3 triệu đồng/9.000m2/tháng). Nhiều doanh nghiệp cho rằng, đây là một trường hợp được “chỉ định” chưa có tiền lệ bởi đã được “ưu ái” đầu tư cho khoản giải phóng mặt bằng - là khâu nan giải, tốn kém nhất cho bất cứ doanh nghiệp nào trong quá trình đầu tư dự án, chưa kể giá thuê đất rẻ một cách bất ngờ.
Rõ ràng, kêu gọi xã hội hóa trong đầu tư là chủ trương cần khuyến khích nhằm huy động nguồn lực xã hội cho yêu cầu phát triển. Điều này cũng không ngoại lệ với trường hợp sử dụng bờ sông An Cựu, nhưng cách làm cần phải công khai, minh bạch. Nếu như từ đầu. Dự án nói trên được tổ chức đấu thầu công khai, kêu gọi công khai, thì chắc chắn sẽ tránh xôn xao từ dư luận do nghi ngờ có sự khuất tất. Chưa kể, thông qua con đường chính danh này, dự án sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp tiềm năng để chọn lựa.
Sau khi người dân lên tiếng, báo chí phản ánh, UBND TP Huế đã ban hành văn bản tạm dừng thi công dự án tại bờ sông An Cựu. Ngoài việc phải giải quyết vấn đề đến cùng, đây còn là bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý, sử dụng đất công, đặc biệt ở những vị trí nhạy cảm ở các bờ sông trong phạm vi thành phố.
Trao đổi với chúng tôi ngay trước cuộc họp báo sắp tới xung quanh vấn đề này, Bí thư Thành ủy Nguyễn Kim Dũng nói rằng, đã có những nóng vội trong đầu tư dự án công viên bờ sông An Cựu từ phía doanh nghiệp, khi công trình chưa được cấp phép đã tiến hành xây dựng. Theo quy định, chỉ xây công trình tạm thời, nhưng doanh nghiệp đã xây kiên cố đổ sàn tầng hai. Lỗi này một phần thuộc về địa phương do quản lý chưa tốt. Bên cạnh đó, sự hối thúc của TP Huế trong việc đầu tư công trình chào mừng Festival Nghề truyền thống Huế 2015 là lý do khác khiến doanh nghiệp chệch choạc, qua loa về thủ tục đầu tư xây dựng công trình.
Cùng quan điểm, Chủ tịch UBND TP Huế - Nguyễn Văn Thành cho hay, chủ trương xã hội hóa trong đầu tư đã được Thành ủy, HĐND TP Huế thông qua. Vì lẽ đó, TP Huế đã chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp liên quan khắc phục sai sót, bổ sung các thủ tục, giấy tờ hợp lệ để tiếp tục triển khai dự án công viên dọc bờ sông An Cựu. Quan điểm của Thành ủy, UBND TP Huế là chỉ dừng thi công tạm thời và sẽ tiếp tục triển khai dự án khi đã hanh thông các thủ tục và điều chỉnh những điều chưa phù hợp. “Trong lúc đang khó khăn về kinh phí đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật, thì việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư là cần thiết. Hơn nữa, kinh nghiệm từ các dự án trước, như ở bờ sông Hương sau khi giải tỏa cho thấy, nếu không quản lý tốt, thì việc lấn chiếm là khó tránh khỏi. Giao doanh nghiệp đầu tư để quản lý tốt hơn, tránh lấn chiếm là mục đích khác của TP Huế”, ông Thành nói.
Chủ trương xã hội hóa trong đầu tư là hoàn toàn đúng đắn. Việc này được khá nhiều địa phương triển khai. Thế nhưng, điều cơ bản là tạo được sự đồng thuận về lợi ích chung của người dân. Vì thế, sự điều chỉnh cần thiết phải được xây dựng từ tiêu chí này. Và chỉ khi đó, những bức xúc đã có mới được thấu tỏ và chia sẻ.