Tủ sách đó được trao truyền qua nhiều thế hệ. Và nếu sách có chữ ký của những người đã sưu tầm, gìn giữ nó thì giá trị của sách càng nhân lên gấp bội. Ngày xưa, có những cuốn sách rất mỏng, chỉ vài chục trang giấy, nhưng giá trị nó mang lại ý nghĩa vô cùng. Những trang sách đó đã dìu dắt, nuôi dưỡng tâm hồn nhiều thế hệ đến tận ngày nay. Trân quý như vậy nên việc đọc sách càng phải được coi trọng: đọc sách phải như thế nào, cầm ra sao, không được gấp bìa cong vênh... nếu nằm nghiêng, nằm ngửa, đọc xong tiện tay vứt bừa qua một bên thì là tư cách chưa bảo đảm, thái độ dành cho sách chưa ổn.
Độc giả đến xem sách tại buổi trưng bày và giới thiệu sách nhân Ngày Sách Việt Nam tại Huế
|
Vì vậy, đừng ngạc nhiên khi ai đó thấy khó khăn trong việc hỏi các nhà nghiên cứu để mượn sách của họ. Bởi có những cuốn phải đổi bằng mồ hôi, nước mắt của bao thế hệ mới có được tủ sách như vậy. Hiện, tại Huế có nhiều tủ sách giá trị “không đo đếm được”, như: thư viện sách tư nhân của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan (con của Kỹ sư lâm nghiệp Nguyễn Hữu Đính); nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan, Phan Thuận An...
Ngày nay, người đọc có thể tiếp cận với sách bằng nhiều kênh khác nhau: chỉ cần một chiếc thẻ đọc, ta có thể đến thư viện và được tiếp cận với cả kho tàng tinh hoa, tri thức của nhân loại hay ngồi nhà với một cú “click” chuột, tác phẩm nào cũng có thể bày ra trước mắt. Cả một “mâm cỗ” thịnh soạn với nhiều món: ngon có, dở cũng nhiều; nhưng quan trọng là người đọc cần tỉnh táo chọn cho mình món ăn phù hợp. Xác định món nào cần cho mình trong lúc này, trong ngày mai và cho về sau. “Tôi mong các bạn có nhiều đam mê với sách và việc đọc sách. Xem đó là thói quen mình phải tập hàng ngày. Tìm tòi để đọc, thiếu thì khắc phục, thừa thì mình chắt lọc ra những cái cần thiết cho bản thân”, TS Trần Đình Hằng Phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu văn học nghệ thuật Việt Nam tại Huế chia sẻ.
Bài, ảnh: Liên Minh