Áp lực lạm phát che mờ triển vọng tăng trưởng toàn cầu. Ảnh minh họa: Reuters/Người Lao động

Trong khi lạm phát đang gia tăng ở ASEAN, không giống như các khu vực khác trên thế giới, đà tăng giá vẫn ở mức tương đối thấp. Đơn cử, lạm phát giá tiêu dùng ở Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam hiện đang ở mức từ 2 – 3%.

Báo cáo lưu ý, điều này chủ yếu là do hỗ trợ tài chính thông qua đại dịch nhìn chung là ít hơn, dẫn đến nhu cầu trong nước phục hồi chậm hơn và áp lực lạm phát trong nước từ đó giảm bớt.

Tuy nhiên, Singapore là một ngoại lệ, với lạm phát hiện đang ở mức cao nhất trong 9 năm là 4%. Tỷ lệ lạm phát dự báo của Singapore là 4,2% trong năm 2022 và 1,3% vào năm 2023.

“Nhiều quốc gia ASEAN, bao gồm Singapore đã phát tín hiệu về ý định tăng tốc phục hồi kinh tế khi các nước tiến đến giai đoạn COVID-19 đặc hữu. Tuy nhiên, như Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu 2022 của KPMG đã chỉ ra rằng, tăng trưởng có thể bị kìm hãm do những thách thức trước mắt, như tác động của xung đột Nga – Ukraine, giá hàng hóa cao hơn, đợt dịch Omicron mới nhất ở Trung Quốc và lãi suất toàn cầu tăng”, Paul Kent, Phó Tổng Giám đốc khối tư vấn kinh tế và pháp lý tại KPMG ở Singapore cho hay.

Cũng trong khu vực ASEAN, Indonesia được đánh giá là đặc biệt dễ tổn thương trước những thay đổi tiêu cực trong tâm lý thị trường, với việc lãi suất toàn cầu tăng khiến các điều kiện trở nên khó khăn hơn đối với ngân hàng trung ương.

Bên cạnh đó, Malaysia, Philippines và Thái Lan cũng phải đối mặt với những tác động lan tỏa này và có thể sẽ phải buộc tăng lãi suất trong nước sớm hơn dự kiến.

Ngoài ra, việc chuyển trọng tâm sang hợp nhất tài khóa ở các nước như Indonesia và Singapore sẽ làm chậm đà tăng trưởng.

Dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Singapore sẽ ở mức 4,4% vào năm 2022 và 3,3% vào năm 2023. Đối với Indonesia, dự báo GDP sẽ là 5,1% vào năm 2022 và 5,3% vào năm 2023.

Dự báo cho thấy GDP toàn cầu sẽ rơi vào khoảng từ 3,3% - 4% trong năm nay và từ 2,5% - 3,2% vào năm 2023.

Những dự đoán trên được đưa ra dựa trên 3 kịch bản, trong đó kịch bản chính là giả định giá dầu thế giới sẽ cao hơn 30USD so với giai đoạn trước khi khủng hoảng leo thang, trong khi giá khí đốt cao hơn 50% trên toàn châu Âu. Dự đoán cũng bao gồm cả việc giá lương thực toàn cầu tăng 5%.

Đan Lê (Lược dịch từ The Business Times)