Xe container vận chuyển hàng hóa vào cảng Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong bối cảnh những tác động của tình trạng gián đoạn tiếp diễn, các doanh nghiệp ở châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm khu vực Đông Nam Á, đã và đang điều chỉnh chiến lược chuỗi cung ứng để giải quyết sự gián đoạn đang diễn ra. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ukraine cho thấy, các doanh nghiệp cần tăng cường hơn nữa khả năng phục hồi nhanh và ứng phó với sự gián đoạn chuỗi cung ứng.

Theo ông Thomas Knudsen, hiện có sự tăng cường tập trung vào khả năng phục hồi nhanh của chuỗi cung ứng, bao gồm các bước giúp giảm thiểu rủi ro và chống lại những cú sốc bổ sung. Điều này đặt các doanh nghiệp trong khu vực vào vị trí vững chắc hơn để nắm bắt cơ hội tăng trưởng, khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi. Cùng với các xu hướng lớn như sự bùng nổ của thương mại điện tử…, có những con đường rõ ràng cho lĩnh vực chuỗi cung ứng để thúc đẩy tiềm năng kinh tế dài hạn của Đông Nam Á, và nổi lên như một trung tâm hậu cần toàn cầu.

Đối với các thách thức trong chuỗi cung ứng khu vực, châu Á chịu tác động lớn hơn so với phần còn lại của thế giới. Điều này đã dẫn đến sự kéo dài của thời gian quay vòng (từ khi dỡ hàng khỏi tàu và quay trở lại cảng xuất phát), và giá cước vận tải biển tăng mạnh; những xu hướng này sẽ thay đổi toàn cảnh chuỗi cung ứng, qua đó cần các chiến lược mới.

Đáng chú ý, trong một hội nghị do Toll Group tổ chức nhằm thảo luận về vận tải đường biển toàn cầu, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn về vận tải biển Vespucci Maritime, ông Lars Jensen nhận định, giá cước được dự báo sẽ tăng trong ít nhất 18 tháng tới, trước khi bình thường hóa vào năm 2023.

Tiếp đó, vận tải đa phương thức sẽ trở thành "bình thường mới". Tình trạng tắc nghẽn và chi phí vận tải đường biển gia tăng đang khiến các doanh nghiệp cần phải xem xét lại chiến lược chuỗi cung ứng để duy trì tính cạnh tranh. Khi những vấn đề về vận tải container khó có thể cắt giảm trong thời gian tới, cách tiếp cận đa phương thức đối với chuỗi cung ứng có thể sẽ mang lại hiệu quả để giảm bớt những khó khăn về năng lực và chi phí cho các doanh nghiệp ở Đông Nam Á. Điều này có thể bao gồm sự kết hợp của vận tải đường bộ, đường hàng không và đường sắt, tận dụng những liên kết đã được thiết lập trên toàn khu vực.

Cuối cùng, các doanh nghiệp ở châu Á sẽ chi phối các chuỗi cung ứng trong khu vực. Việc chuyển đổi ưu tiên của khách hàng theo hướng giao hàng nhanh hơn, cùng sự tham gia ngày càng tăng của các mạng lưới sản xuất ở Đông Nam Á đã dẫn đến những chuỗi cung ứng ngắn hơn trong khu vực này.

Ông Thomas Knudsen lưu ý, những thách thức trong 2 năm qua được dự báo ​​sẽ tiếp diễn trong năm 2022, bao gồm tình trạng tắc nghẽn, chi phí đầu vào (như nhiên liệu) và giá cước vận tải gia tăng. Để có sự chuẩn bị đầy đủ, các doanh nghiệp cần có chiến lược nhằm nâng cao khả năng phục hồi nhanh theo cách thức hiệu quả về chi phí, đồng thời cho phép các chuỗi cung ứng đáp ứng tốt hơn với những cơ hội mà sự bùng nổ thương mại điện tử trên khắp châu Á mang lại.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ The Business Times)