Bốn tổ chức thế giới kêu gọi hành động phối hợp để giải quyết các mối đe dọa ngày càng tăng về an ninh lương thực. Ảnh minh hoạ: Getty Image

Trong một tuyên bố chung được đưa ra trước thềm Cuộc họp mùa xuân của IMF và nhóm Ngân hàng Thế giới sẽ diễn ra vào tuần tới, các nhà lãnh đạo của bốn tổ chức cảnh báo rằng căng thẳng ở Ukraine đang làm tăng thêm áp lực hiện có từ cuộc khủng hoảng COVID-19, trong khi biến đổi khí hậu và sự mong manh ngày một gia tăng, cộng với xung đột đe dọa hàng triệu người trên toàn thế giới.

Giá các mặt hàng chủ lực tăng mạnh và nguồn cung thiếu hụt đã gây áp lực lên các hộ gia đình. Mối đe dọa lớn nhất đối với các quốc gia nghèo nhất có tỷ trọng tiêu thụ lớn từ nhập khẩu thực phẩm, nhưng tình trạng dễ bị tổn thương cũng đang gia tăng nhanh chóng ở các quốc gia có thu nhập trung bình, nơi chiếm đa số người nghèo trên thế giới. Các ước tính của WB cảnh báo rằng cứ mỗi lần giá lương thực tăng 1 điểm phần trăm, 10 triệu người sẽ rơi vào cảnh nghèo cùng cực trên toàn cầu.

Các cuộc khủng hoảng kép có thể làm gia tăng căng thẳng xã hội ở nhiều quốc gia bị ảnh hưởng, nhất là những quốc gia vốn đã manh nha hoặc bị ảnh hưởng bởi xung đột, các tổ chức đa phương này cảnh báo.

Việc tăng giá lương thực càng trở nên trầm trọng hơn do giá khí đốt tự nhiên, một thành phần chính của phân đạm tăng mạnh, có thể đe dọa việc sản xuất lương thực ở nhiều nước. “Giá phân bón tăng cùng với việc cắt giảm đáng kể nguồn cung toàn cầu có ý nghĩa quan trọng đối với sản xuất lương thực ở hầu hết các quốc gia, bao gồm cả các nhà sản xuất và xuất khẩu lớn, những người phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu phân bón”, lãnh đạo các tổ chức nhấn mạnh.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng bày tỏ lo ngại sâu sắc về cuộc khủng hoảng an ninh lương thực, lưu ý rằng hơn 275 triệu người trên toàn thế giới đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. 

Được biết, Cuộc họp Mùa xuân sắp tới sẽ bao gồm các bộ trưởng từ các nền kinh tế lớn G7 và G20, các quan chức từ IMF, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD), cũng như các chuyên gia kỹ thuật hàng đầu về an ninh lương thực và nông nghiệp. Theo người phát ngôn Bộ Tài chính Mỹ, sự kiện này sẽ thu hút sự chú ý đến các khía cạnh khác nhau của cuộc khủng hoảng an ninh lương thực đang ngày càng tồi tệ, đồng thời thúc giục các tổ chức tài chính quốc tế đẩy nhanh và tăng cường các phản ứng để hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng.

Bộ trưởng Yellen cho biết bà sẽ có cuộc gặp các nhà lãnh đạo khác vào tuần tới để thảo luận về các giải pháp khả thi và nhấn mạnh sự cần thiết phải đầu tư dài hạn hơn để giải quyết các lỗ hổng trong hệ thống thực phẩm.

Trong tuyên bố chung của mình, bốn nhà lãnh đạo của các tổ chức hàng đầu đã kêu gọi cộng đồng quốc tế cung cấp nguồn cung lương thực khẩn cấp cho các nước dễ bị tổn thương, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững và an ninh dinh dưỡng, song song với việc giữ cho dòng chảy thương mại thông thoáng.

Về phần mình, các tổ chức này cam kết sẽ đẩy mạnh các chính sách và hỗ trợ tài chính tương ứng để giúp đỡ các quốc gia và hộ gia đình dễ bị tổn thương và giảm thiểu áp lực cán cân thanh toán.

Bốn tổ chức cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp hỗ trợ các nhu cầu cấp thiết về tài chính, bao gồm cả thông qua các khoản tài trợ, nhằm cung cấp thực phẩm ngay lập tức để đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các hộ nông dân nhỏ đang phải đối mặt với giá đầu vào cao hơn.

Theo các nhà lãnh đạo của IMF, WB, WFP và WTO, điều quan trọng là phải giữ cho thương mại cởi mở và tránh các biện pháp hạn chế như cấm xuất khẩu thực phẩm hoặc phân bón, đặc biệt là sự cần thiết phải ngăn chặn bất kỳ hạn chế nào đối với việc mua thực phẩm nhân đạo của Chương trình Lương thực Thế giới.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters)