Học sinh Hương Vân (TX. Hương Trà) được tiêm chủng. Ảnh: Thu Thủy
Chuẩn bị kỹ lưỡng
Trong số 10.900 liều vắc-xin Moderna được Bộ Y tế phân về tỉnh đợt đầu tiên để tổ chức tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, thị xã Hương Thủy được phân bổ hơn 1.400 liều. Ngay trong ngày 21/4, Trung tâm Y tế thị xã Hương Thủy đã tổ chức 10 tổ tiêm ra quân thực hiện việc tiêm cho trẻ tính theo độ tuổi từ cao xuống thấp.
Tại điểm tiêm Trạm Y tế phường Thủy Dương, 64 học sinh khối lớp 6 ngoan ngoãn ngồi ngay ngắn theo hướng dẫn của giáo viên, đợi đến lượt được tiêm. Tâm trạng của các con rất tốt, bình tĩnh qua các bàn khám sàng lọc, bàn tiêm, còn vui vẻ động viên các bạn chưa đến lượt.
Theo sát buổi tiêm từ đầu đến cuối, ông Phan Văn Công, Hiệu trưởng Trường THCS Thủy Dương cho biết, nhà trường có 102 học sinh khối lớp 6 nằm trong độ tuổi được tiêm chủng đợt này thì 100% cháu đã được phụ huynh ký phiếu đồng thuận tiêm chủng. Tuy nhiên, thực tế đến cuối buổi tiêm chỉ có 64 học sinh đã tiêm được mũi 1 vắc-xin phòng COVID-19, số còn lại thuộc diện nhiễm SARS-CoV-2 chưa quá thời gian 3 tháng để được tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Chuẩn bị việc tiêm cho các em, ngay từ khi UBND tỉnh có kế hoạch tiêm chủng cho nhóm trẻ trong độ tuổi này, nhà trường đã phối hợp với Công an phường, ngành y tế để rà soát đầy đủ mã định danh, sự đồng thuận tiêm chủng của phụ huynh và tuyên truyền, động viên tinh thần cho trẻ.
ThS.BSCKII. Nguyễn Lê Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng nhấn mạnh: “Đợt này, chúng tôi tăng cường giám sát, kiểm tra ở các điểm tiêm chủng, nhất là ở tuyến phường, xã và các trung tâm y tế huyện, đảm bảo đủ các yêu cầu về cơ sở vật chất và đủ các điều kiện về an toàn tiêm chủng. Chúng tôi hướng dẫn các đơn vị phải nhập dữ liệu của trẻ đầy đủ, đúng quy định và lưu ý đến những vấn đề cam kết của phụ huynh về tiêm chủng, đảm bảo sự đồng thuận cao trong cộng đồng”.
Khám sàng lọc cho học sinh Trường THCS Trần Cao Vân trước khi tiêm. Ảnh: MC
Cân nhắc kỹ để trẻ được tiêm
Tính đến giữa tháng 4/2022, khảo sát của Bộ Y tế cho thấy cả nước ghi nhận khoảng 60-80% người dân đồng ý tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi. Số còn lại đang do dự. Trong số hơn 144.000 trường hợp trẻ của Thừa Thiên Huế trong nhóm tuổi từ 5 - dưới 12, vẫn còn tỷ lệ nhất định số trẻ chưa được phụ huynh đồng thuận tiêm. Để giảm thiểu tỷ lệ này, ngành giáo dục, ngành y tế và các địa phương vẫn tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của tiêm vắc-xin để chiến dịch tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi hoàn thành mục tiêu đề ra.
GS.TS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phân tích: Nếu mắc COVID-19 dù ở lứa tuổi nào thì bệnh cũng có các biểu hiện, từ không có triệu chứng đến có triệu chứng cho đến nhập viện nặng, tử vong. Với trẻ em qua theo dõi thì thấy, trẻ cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu COVID-19, kể cả di chứng. Thậm chí có những trường hợp viêm đa hệ ở trẻ em, đây là biểu hiện nghiêm trọng, viêm cả các cơ quan khác. Dù ở thời điểm hiện tại, chúng ta nhận thấy trẻ mắc COVID-19 thường diễn biến nhẹ, không có nghĩa là giai đoạn sau trẻ sẽ an toàn. Chính vì lý do đó, lứa tuổi này vẫn phải tiêm phòng vắc-xin COVID-19. “Do đó, với nhóm phụ huynh còn do dự trong thời gian tới sẽ cần được cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan việc tiêm chủng để hiểu rõ hơn khi đưa quyết định" - GS.TS. Phan Trọng Lân nói.
Hiện nay, Việt Nam đã là một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cao nhất trên thế giới. Tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi được Bộ Y tế xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2022.
Sau tiêm vắc-xin phòng COVID-19, nếu thấy trẻ có một trong các dấu hiệu sau, cha mẹ cần đưa trẻ đi viện: Tê quanh môi hoặc lưỡi; da phát ban hoặc nổi mẩn đỏ, tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da; ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó; đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật; đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất; nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy; khó thở, thở rít, khò khè, tím tái; chóng mặt, choáng, xây xẩm, mệt bất thường; đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn; sốt liên tục trên 38,50C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt; chỗ tiêm thường sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ nên cần tiếp tục theo dõi, sưng to nhanh.
ĐỒNG VĂN