Quán rất dễ thương. Những bức tranh sơn dầu lặng lẽ mà xao động trên tường. Những cánh loa kèn trắng muốt cũng lặng lẽ hiền hậu ở một góc bàn. Nếu không có chiếc máy pha cà phê và những chiếc tách màu trắng, không có hai cô cậu với trang phục đen và tạp dề xanh rêu khẽ khàng sau quầy, sẽ nhầm tưởng đây là một gallery nào đó, trên con đường gần như lúc nào cũng đông ở phố Nhà Chung (Hà Nội).

Các bạn của tôi đã bị thu phục bởi những gam màu cuốn hút ấy và thoải mái check-in. Đó hẳn sẽ là những khuôn hình lạ lẫm mà ấm áp trong kho ảnh điện thoại di động. Tôi thì hình như gặp lại những người mình đã biết, qua chữ ký và tên của họ dưới mỗi khung tranh. Mà cho dù có chưa biết đi nữa, thì không gian này chắc chắn là một lựa chọn đáng có, cho dù chúng tôi đã bước vào đó bằng một ngẫu hứng tình cờ.

Đó chắc chắn là sự mát mẻ và yên tĩnh tràn ngập khi ô cửa kính khép lại phía sau lưng. Là những khung trời như một biên độ được mở rộng bởi những gam màu và sự phóng khoáng ở từng đường vẽ. Vài bức chân dung như đang trò chuyện với ánh mắt đối diện, và nếu dừng lại thêm một lúc, bạn có thể bị đánh thức bởi những gam màu xô dạt, vừa dữ dội, lại vừa trắc ẩn của một nữ họa sĩ trên tầng 2. Mà tôi còn được đánh thức bởi vòm xanh trên tầng - với những chiếc lá chao nghiêng bên một ly capuchio nóng đậm đà…

Chủ quán chắc hẳn là yêu hội họa và có sự thâm tình với các tác giả “đứng chân” trên tường. Lại có nguyên một tầng dành cho tranh giấy dó. Có lẽ đó cũng là cảm hứng để anh đặt tên tiệm cà phê của mình là Dó, chứ không khai là cách viết sai chính tả để tạo điểm nhấn như một bạn đi cùng chia sẻ. Trong thời buổi tấc đất tấc vàng mà anh tạo một không gian kén khách như thế này, chắc chắn phải lắm đam mê…

Khi bước xuống cầu thang ở Dó, tôi đã dừng lại ở bức chân dung xa lạ, nhưng cách thức rất quen. Chủ quán nói với tôi rằng, đấy là trúc chỉ và bức này được gửi ra từ miền Trung với không ít hào hứng. Ánh sáng vàng quen thuộc, cách biểu đạt cũng quen thuộc, nhưng chắc chắn đó không phải là trúc chỉ “made in Hue”. Có thể thấy rất rõ điều này ở độ kém mịn và gần như là chưa tới, như những bức chân dung khác mà tôi đã chiêm ngưỡng ở Trúc Chỉ ở “km số 0” thuộc Công ty TNHH một thành viên nghệ thuật trúc chỉ Việt Nam (TP. Huế).

“Trúc chỉ được biết đến đầu tiên là ở Huế, và người khởi thủy ra nó là họa sĩ Phan Hải Bằng - giảng viên Trường đại học Nghệ thuật Huế. Nếu anh đến đó, chắc sẽ bổ sung thêm những tác phẩm giá trị cho việc sưu tầm của mình” là điều mà tôi đã trao đổi với chủ quán trong quãng thời gian lưu lại Dó.

Trúc chỉ của nghệ thuật trúc chỉ Việt Nam (TP. Huế) đã được triển lãm, trưng bày và “sống” ở nhiều không gian khác, và dù vẫn đang phải chấp nhận những phiên bản khác, trong một câu chuyện dài hơi về bản quyền… song tôi vẫn kỳ vọng, đến một lúc nào đó, trúc chỉ từ Huế sẽ hiện diện và lan tỏa nhiều hơn bởi sự chính danh trong sáng tạo nghệ thuật của mình.

LÊ NGUYỄN AN NHIÊN