Hội thảo thảo luận về những định hướng đào tạo âm nhạc di sản phù hợp với bối cảnh hiện nay

Âm nhạc di sản là một phần của di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Các loại hình âm nhạc này cần được gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị. Đào tạo là một trong những cách tốt để thực hiện điều này.

Học viện Âm nhạc Huế hiện có hai nội dung đào tạo liên quan đến âm nhạc di sản. Đó là âm nhạc của ba phong cách đại diện cho ba miền: nhạc chèo, ca Huế, cải lương trong đào tạo âm nhạc truyền thống và những chuyên ngành đào tạo về loại hình âm nhạc di sản: Nhã nhạc, ca Huế.

Gần đây, công tác đào tạo các chuyên ngành này gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do số lượng sinh viên đầu vào ngày càng giảm sút. Hội thảo nhằm thảo luận về những khó khăn và thuận lợi trong công tác đào tạo âm nhạc di sản trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam nói chung và Học viện Âm nhạc Huế nói riêng, tìm giải pháp, hướng đi và nâng cao chất lượng đào tạo âm nhạc di sản.

Các tham luận tại hội thảo tập trung nghiên cứu về nghệ thuật của các loại hình âm nhạc di sản; những định hướng đào tạo âm nhạc di sản phù hợp với bối cảnh hiện nay; thực trạng đào tạo âm nhạc di sản và các giải pháp đặt ra; vấn đề tuyển sinh và cơ hội việc làm; chương trình, giáo trình, đội ngũ giảng dạy; kinh nghiệm đào tạo âm nhạc di sản ở các địa phương trên cả nước…

Tin, ảnh: Minh Hiền