Đáng chú ý là các điểm di tích, di sản dịp này cũng đón một lượng khách đáng kể. Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, chỉ tính trong ngày 1/5, có 13.418 lượt khách đến tham quan di tích, trong đó có 185/650 khách quốc tế đến Huế, doanh thu hơn 1,9 tỷ đồng.
Không riêng Huế mà hầu hết các tỉnh, thành phố ở miền Trung cũng có sự gia tăng tương tự về khách du lịch dịp nghỉ lễ vừa qua. Như Quảng Bình đón khoảng 115.000 lượt khách, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021; Đà Nẵng đón khoảng 254.000 lượt khách, tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước; Nha Trang đón khoảng 275.500 lượt khách, tăng 119% so với cùng kỳ năm trước… Các tỉnh, thành ở hai đầu đất nước cũng ghi nhận sự “bùng nổ” về lượng khách du lịch dịp nghỉ lễ kéo dài 4 ngày vừa qua. Và, điểm chung ở tất cả các điểm đến là đều ghi nhận sự trở lại của khách quốc tế, như ở Đà Nẵng, có đến 7.400 khách.
Tại Huế, dù lượng khách quốc tế chưa nhiều, song một vòng quanh thành phố dịp lễ, nhất là các khu vui chơi, giải trí về đêm, tôi cũng chứng kiến có khá nhiều khách Tây sử dụng các dịch vụ ở phố đi bộ Chu Văn An - Phạm Ngũ Lão - Võ Thị Sáu. Một số nhà hàng, quán ăn ở khu vực này cũng nhờ thế mà sôi động hẳn. Lao động có thêm việc làm, người dân có thêm doanh thu từ các dịch vụ đi kèm như lưu trú, hàng lưu niệm, taxi, xích lô…
Khi du lịch mở cửa trở lại từ giữa tháng 3 đến nay và nhất là khi tình hình dịch COVID-19 tạm ổn nhờ sự bao phủ của vắc-xin, có thể thấy, kinh tế, đời sống của người dân các địa phương dần sôi động trở lại. Các lễ hội và hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao được tổ chức nhiều hơn sẽ là điều kiện tốt để góp phần thu hút du khách. Đó cũng là một trong những lý do mà Ban tổ chức Festival Huế 2022 lần đầu tiên tổ chức festival bốn mùa, để lúc nào khách cũng có lý do đến Huế. Phương án này một lần nữa đã cho thấy hiệu quả khi chỉ mới ở lễ hội mở màn cho mùa du lịch biển “Thuận An biển gọi” đã hút một lượng khách đáng kể. Sắp tới, các chương trình chính của festival sẽ diễn ra trong cuối tháng 5 đầu tháng 6 dự kiến Huế sẽ đón một lượng khách rất lớn. Tiếp đó sẽ là các lễ hội về văn hóa, nghệ thuật, thể thao… phù hợp với mùa thu và mùa đông xứ Huế cũng hứa hẹn sẽ giúp Huế hút khách trong và ngoài nước các thời điểm đó.
Khách quay trở lại các điểm đến là tín hiệu đáng mừng của không riêng địa phương nào. Nó cũng cho thấy sự phục hồi về kinh tế và cả đời sống, thu nhập của người dân. Mặt khác, tâm lý chồn chân sau hơn hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch khiến nhu cầu xê dịch bùng nổ. Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua có thể thấy gần như các điểm đến đều trong tình trạng “cháy” phòng. Các dịch vụ ăn uống đông đúc thực khách; bến xe, nhà ga các sân bay ùn ứ, tình trạng delay kéo dài nhiều giờ… gây phiền phức, mệt mỏi và bức xúc cho du khách.
Rõ ràng, xu hướng khách đi du lịch trở lại và sẽ tăng cao sau khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn là điều đã được dự báo. Song, dịp lễ vừa qua cũng cho thấy, dù đã có sự chuẩn bị nhưng khá nhiều điểm đến vẫn còn lúng túng trong khâu phục vụ. Các dịch vụ, sản phẩm vẫn chưa thực sự đầu tư có chiều sâu, còn thiếu tính chuyên nghiệp, bài bản… Thế nên, để đón và phục vụ khách du lịch tốt hơn, cần có sự chuẩn bị chu đáo hơn nữa, từ cơ sở vật chất, phương tiện và quan trọng nhất là yếu tố con người. Bởi từ số lượng khách đến Huế dịp này cho thấy, so với những địa phương có thế mạnh về du lịch, Huế vẫn còn thua xa. Ví như Quảng Bình, Huế chưa bằng một nửa, và chỉ bằng khoảng 1/5 so với Đà Nẵng...
TÂM HUỆ