Khách hàng thực hiện thanh toán bằng mã QR. Ảnh minh họa: internationalfinance.com/TTXVN

Tuy nhiên, trong khi hệ thống thanh toán này đang cách mạng hóa thương mại trên toàn cầu, và thay đổi bối cảnh tài chính của thế giới, thì không có khu vực nào đạt được sự tiến bộ về thanh toán theo thời gian thực như khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thị trường phát triển nhất

Theo một báo cáo về thanh toán theo thời gian thực toàn cầu năm 2022 do Công ty Tư vấn và phân tích dữ liệu Globaldata thực hiện, và được Ngân hàng ACI Worldwide và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) công bố mới đây, châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là thị trường thanh toán theo thời gian thực phát triển nhất trên toàn cầu, trong đó Thái Lan dẫn đầu khu vực về khối lượng và tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Thái Lan đã ghi nhận 9,7 tỷ giao dịch theo thời gian thực, trở thành quốc gia có mức giao dịch theo thời gian thực cao thứ 4 trên thế giới. Việc áp dụng rộng rãi thanh toán theo thời gian thực đã dẫn đến các khoản tiết kiệm chi phí ước tính ở mức 1,3 tỷ USD cho các doanh nghiệp, cũng như người tiêu dùng vào năm 2021; qua đó giúp tạo ra 6 tỷ USD sản lượng kinh tế bổ sung, chiếm 1,12% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia này.

Đối với Singapore, các giao dịch thanh toán theo thời gian thực đã đạt 256 triệu giao dịch, giúp tiết kiệm chi phí khoảng 105 triệu USD cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng, đồng thời tạo thêm 349 triệu USD cho sản lượng kinh tế bổ sung, tương đương 0,1% GDP. “Các giao dịch thanh toán theo thời gian thực được dự báo sẽ đạt mức 603 triệu giao dịch vào năm 2026, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 18,7%, với khoản tiết kiệm ròng cho người tiêu dùng và doanh nghiệp dự kiến ​​đạt 231 triệu USD, tạo ra sản lượng kinh tế bổ sung là 573 triệu USD, tương đương 0,15% GDP”, báo cáo của Globaldata cho thấy.

So với Singapore, Malaysia đã ghi nhận số lượng giao dịch thanh toán theo thời gian thực cao hơn trong năm ngoái, ở mức 1,1 tỷ giao dịch, giúp tiết kiệm chi phí ước tính 434 triệu USD cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Điều này cũng đã gián tiếp tạo ra 364 triệu USD sản lượng kinh tế bổ sung, tương đương 1,11% GDP.

Ngoài ra, CEBR dự báo các giao dịch theo thời gian thực sẽ tăng trưởng ở mức 3,6 tỷ giao dịch vào năm 2026, tốc độ CAGR là 26,9%, với những khoản tiết kiệm ròng cho người tiêu dùng và doanh nghiệp được dự kiến ​​đạt 637 triệu USD vào năm 2026, tạo ra sản lượng kinh tế bổ sung là 954 triệu USD, tương đương 0,2% GDP.

Trong khi đó, đối với Indonesia, quốc gia chỉ vừa ra mắt mạng lưới thanh toán theo thời gian thực trên toàn quốc đầu tiên hồi tháng 12 năm ngoái, có tên là BI-FAST, các giao dịch theo thời gian thực được dự báo sẽ tăng lên mức 1,6 tỷ giao dịch vào năm 2026, với mức tiết kiệm ròng cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp được dự kiến ​​sẽ tăng đạt 222 triệu USD, giúp tạo ra thêm 747 triệu USD sản lượng kinh tế.

Trung tâm của bối cảnh thanh toán toàn cầu mới

Báo cáo của Globaldata đã thực hiện phân tích 53 thị trường thanh toán theo thời gian thực trên thế giới; và cho rằng, thanh toán theo thời gian thực sẽ là trung tâm của bối cảnh thanh toán toàn cầu mới, dự kiến sẽ chiếm 1/4 thanh toán điện tử trên toàn cầu vào năm 2026.

Cũng theo GlobalData, trên phạm vi toàn cầu, 118,3 tỷ giao dịch thanh toán theo thời gian thực đã được thực hiện vào năm 2021, đánh dấu mức tăng trưởng 64,5%; các giao dịch được dự kiến sẽ tăng lên đạt 427,7 tỷ USD trong năm 2026.

Đáng chú ý, tiết lộ thú vị nhất của báo cáo cho thấy, Ấn Độ chiếm số lượng các giao dịch theo thời gian thực lớn nhất (48 tỷ giao dịch) trên thế giới vào năm ngoái, cao gấp 3 lần so với Trung Quốc (18 tỷ giao dịch), và cao hơn gấp 6,5 lần so với Mỹ, Canada, Vương quốc Anh, Pháp, và Đức cộng lại.

Trên hết, các thanh toán theo thời gian thực chiếm 31,3% tổng khối lượng giao dịch thanh toán ở Ấn Độ vào năm 2021, chủ yếu do người bán chấp nhận các ứng dụng thanh toán di động dựa trên giao diện thanh toán hợp nhất (UPI) và thanh toán bằng mã QR, cũng như việc sử dụng các thanh toán kỹ thuật số tăng lên trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Nhận định về phương thức thanh toán này, ông George Evers, Phó Chủ tịch cấp cao Công ty Mastercard, phụ trách các sản phẩm thanh toán theo thời gian thực nhấn mạnh: “Kết hợp với sự chuyển động không ngừng của việc sử dụng thiết bị di động và số hóa mọi thứ, hệ thống thanh toán theo thời gian thực cung cấp một nền tảng để các nền kinh tế trở nên năng động hơn”.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ Tech Wire Asia & ACI Worldwide)