Rõ ràng, trong lĩnh vực chữ nghĩa và cả những ngành thực hành, mong muốn có một tấm bằng TS là điều chính đáng. Khi làm công tác nghiên cứu nghiêm túc, bằng TS là một ghi nhận về trình độ của một người nào đó. Không phải TS là biết tất cả, mà họ sẽ là người am hiểu chuyên sâu về một lĩnh vực nào đó. Người ta thường nói “những nhà khoa học đầu ngành” thì cũng hàm ý ghi nhận trình độ hiểu biết cao của những người đó. Càng nhiều những nhà khoa học đầu ngành với những kết quả các công trình nghiên cứu của họ, kiến thức của họ sẽ hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp thúc đẩy kinh tế, xã hội cũng phát triển… Thậm chí là uy thế của một đất nước cũng được nâng lên. Bản thân những người TS và toàn xã hội đều cần, rất cần. Xã hội chúng ta không thiếu những TS đầu ngành mà ai cũng biết và quý trọng.

Điều đáng nói là có những TS giả, mà chúng ta thường hay nghe nói là “TS giấy”. Tức là có bằng TS, nhưng trình độ không phải cao tương ứng. Có bằng TS đấy, nhưng những công trình mà họ nghiên cứu không giúp ích được gì cho xã hội, cho sự phát triển. Luận án TS là một công trình khoa học. Bằng TS là ghi nhận sự nghiên cứu của họ. Không ai lại đi nghiên cứu cái mà xã hội không cần, hay nói cách khác là không giúp ích được gì cho sự phát triển của xã hội. Thế nhưng xã hội chúng ta không phải là đã không sản sinh ra những “TS giấy”. Điều này được xã hội đề cập và cảnh báo từ lâu. Đã là “TS giấy” thì một hệ quả kéo theo là những nghiên cứu của họ “cũng giấy” (hiểu theo cách là xã hội không cần). Thế nhưng tại sao họ vẫn cần và cơ chế nào để sản sinh ra “TS giấy”?

Động lực cho câu hỏi vì sao cần bằng “TS giấy” có thể nó nằm ở lợi ích chính trị. Trước tiên chúng ta hãy loại trừ khu vực tư nhân. Ở khu vực tư nhân thường là chỉ hoạt động kinh tế. Đã hoạt động kinh tế thì điều họ quan tâm nhất là sự phát triển của doanh nghiệp, quan tâm đến lợi nhuận nên họ không cần đến “kiến thức giấy” để làm gì. Họ không quan tâm đến anh có bằng cấp gì mà quan tâm đến anh có làm việc tốt hay không, công việc giải quyết có hiệu quả không. Ngay trong môi trường giáo dục tư chẳng hạn, họ cũng yêu cầu bằng cấp nhưng là bằng cấp thực, kiến thức thực. Chính những điều này họ mới xây dựng nên uy thế, thương hiệu của nhà trường. Có uy thế, có thương hiệu rồi thì họ thu được học phí cao. Rõ ràng nhà trường có lợi. Mà học  sinh, sinh viên cũng có lợi… Từ đây chúng ta có một cách suy luận, ở khu vực phát sinh những “TS giấy” nhiều nhất là khu vực Nhà nước. Vì sao khu vực này (có lẽ) phát sinh “TS giấy” nhiều? Vì cơ chế vận hành và cả cơ chế trả thù lao. Và có thể còn một điều kiện nữa là cơ chế đòi hỏi bằng cấp và cách thức đề bạt, bổ nhiệm cán bộ?

Nhưng còn một động lực nữa cũng thúc đẩy họ theo đuổi phải có bằng TS - “TS giấy” là quyền lợi kinh tế?

Anh là giáo viên ở một trường đại học, nếu chỉ là thạc sĩ thì đến tuổi phải nghỉ hưu, chẳng hạn. Nhưng anh là TS thì có thể được kéo dài thêm thời gian giảng dạy.

Cũng có thể có một động lực nữa là… cho oai. Một TS về làng làm cho cả dòng họ tự hào chẳng hạn.

Một câu hỏi tiếp theo là chúng ta đã vận hành một cơ chế đào tạo, nghiên cứu ra sao mà để sinh ra những “TS giấy”. Có thể là đã có lỗi trong cách vận hành cơ chế này. Những giáo viên hướng dẫn khi nào chẳng muốn trò mình được ghi nhận là có trình độ tốt. Một hội đồng xét duyệt trong quá trình vận hành có thể bị tác động bằng cách này hay cách khác mà không làm tròn chức phận của mình. Rất có thể là như vậy.

Nói tóm lại, một người nào đó theo đuổi những giá trị không thật, dù vậy, phải có động lực để thúc đẩy họ. Như trên đã nói - có thể là động lực chính trị và động lực kinh tế. Và lỗi của cơ chế vận hành để sinh ra nó.

NGUYÊN LÊ