Nắng nóng kỷ lục khiến sản lượng thu hoạch lúa mì tại Ấn Độ suy giảm. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Ngay sau động thái hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ, lúa mì đã tăng vượt giới hạn trao đổi, cho thấy thực trạng eo hẹp của nguồn cung toàn cầu hiện nay và đe dọa đẩy giá lương thực lên cao hơn nữa.

Theo Bloomberg, giá lúa mì kỳ hạn tại Chicago hiện đã tăng tới 5,9% lên mức cao nhất trong 2 tháng qua. Giá cả đã tăng khoảng 60% trong năm nay, làm tăng chi phí của tất cả mọi thứ làm từ lúa mì, từ bánh mì, bánh ngọt… cho đến mì ống. Sự gia tăng này được cho là sẽ ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng có thu nhập thấp ở châu Á và châu Phi.

Điều đáng ngạc nhiên là Ấn Độ thậm chí không phải là một nước xuất khẩu lúa mì nổi bật trên thị trường thế giới. Sở dĩ động thái này của Ấn Độ có thể gây ra tác động lớn như vậy là do triển vọng ảm đạm về nguồn cung lúa mì trên toàn cầu. Xung đột đã làm tê liệt hoạt động xuất khẩu của Ukraine, và hiện nay, hạn hán, lũ lụt và các đợt nắng nóng đang đe dọa mùa màng ở hầu hết các nước sản xuất lớn.

Andrew Whitelaw, một nhà phân tích ngũ cốc tại Thomas Elder Markets có trụ sở tại Melbourne, cho biết: “Nếu lệnh cấm này xảy ra trong một năm bình thường, tác động sẽ ở mức tối thiểu, nhưng việc mất khối lượng lớn từ Ukraine đã làm trầm trọng thêm vấn đề”.

Thực tế, quyết định ngừng xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ được đưa ra khi một đợt nắng nóng kỷ lục làm khô héo vụ mùa trong thời kỳ quan trọng, khiến sản lượng có nguy cơ sụt giảm. Rủi ro đầu ra đã tạo nên tình thế tiến thoái lưỡng nan cho Ấn Độ, quốc gia đã cố gắng lấp đầy khoảng trống khi xuất khẩu của Ukraine thiếu hụt, đẩy người mua sang các nước có sản phẩm thay thế.

Tuy nhiên, quyết định cấm xuất khẩu lúa mì cho thấy, Chính phủ Ấn Độ đang ưu tiên thị trường nội địa, ngay cả khi động thái này có nguy cơ làm lu mờ hình ảnh quốc tế của một nhà cung cấp lương thực đáng tin cậy.

Theo các nhà phân tích, động thái của Ấn Độ làm gia tăng làn sóng bảo hộ lương thực đang ngày càng tăng kể từ khi xung đột Ukraine bắt đầu. Trong bối cảnh giá nông sản tăng cao, nhiều chính phủ trên thế giới đang tìm cách đảm bảo nguồn cung lương thực cho thị trường nội địa. Indonesia đã ngừng xuất khẩu dầu cọ, trong khi Serbia và Kazakhstan áp đặt hạn ngạch đối với các lô hàng ngũ cốc.

Trong một thông tin mới nhất, Mỹ và Liên minh châu Âu đang tìm cách cải thiện chuỗi cung ứng lương thực khi các hạn chế xuất khẩu đang làm gia tăng lo ngại về vấn đề an ninh lương thực toàn cầu.

TỐ QUYÊN

 (Lược dịch từ CNBC)