Thế giới

Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa mì đẩy nguy cơ lạm phát lương thực toàn cầu tăng cao

ClockThứ Hai, 16/05/2022 22:04
TTH - Theo một thông báo ngày 13/5, Chính phủ Ấn Độ quyết định đình chỉ việc xuất khẩu lúa mì ra nước ngoài, trừ một số trường hợp đặc biệt đã có hợp đồng mua bán trước đó hoặc có sự cho phép của chính phủ, nhằm quản lý tình hình an ninh lương thực trong nước. Quyết định này đã vấp phải sự chỉ trích từ các Bộ trưởng Nông nghiệp của nhóm G7 khi cho rằng, các biện pháp như vậy sẽ làm cho cuộc khủng hoảng lương thực trên thế giới trở nên tồi tệ hơn.

Tăng cường quan hệ hợp tác giữa các nhà lập pháp của Ấn Độ và Việt NamẤn Độ và Đức cam kết cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới

Nắng nóng kỷ lục khiến sản lượng thu hoạch lúa mì tại Ấn Độ suy giảm. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Ngay sau động thái hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ, lúa mì đã tăng vượt giới hạn trao đổi, cho thấy thực trạng eo hẹp của nguồn cung toàn cầu hiện nay và đe dọa đẩy giá lương thực lên cao hơn nữa.

Theo Bloomberg, giá lúa mì kỳ hạn tại Chicago hiện đã tăng tới 5,9% lên mức cao nhất trong 2 tháng qua. Giá cả đã tăng khoảng 60% trong năm nay, làm tăng chi phí của tất cả mọi thứ làm từ lúa mì, từ bánh mì, bánh ngọt… cho đến mì ống. Sự gia tăng này được cho là sẽ ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng có thu nhập thấp ở châu Á và châu Phi.

Điều đáng ngạc nhiên là Ấn Độ thậm chí không phải là một nước xuất khẩu lúa mì nổi bật trên thị trường thế giới. Sở dĩ động thái này của Ấn Độ có thể gây ra tác động lớn như vậy là do triển vọng ảm đạm về nguồn cung lúa mì trên toàn cầu. Xung đột đã làm tê liệt hoạt động xuất khẩu của Ukraine, và hiện nay, hạn hán, lũ lụt và các đợt nắng nóng đang đe dọa mùa màng ở hầu hết các nước sản xuất lớn.

Andrew Whitelaw, một nhà phân tích ngũ cốc tại Thomas Elder Markets có trụ sở tại Melbourne, cho biết: “Nếu lệnh cấm này xảy ra trong một năm bình thường, tác động sẽ ở mức tối thiểu, nhưng việc mất khối lượng lớn từ Ukraine đã làm trầm trọng thêm vấn đề”.

Thực tế, quyết định ngừng xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ được đưa ra khi một đợt nắng nóng kỷ lục làm khô héo vụ mùa trong thời kỳ quan trọng, khiến sản lượng có nguy cơ sụt giảm. Rủi ro đầu ra đã tạo nên tình thế tiến thoái lưỡng nan cho Ấn Độ, quốc gia đã cố gắng lấp đầy khoảng trống khi xuất khẩu của Ukraine thiếu hụt, đẩy người mua sang các nước có sản phẩm thay thế.

Tuy nhiên, quyết định cấm xuất khẩu lúa mì cho thấy, Chính phủ Ấn Độ đang ưu tiên thị trường nội địa, ngay cả khi động thái này có nguy cơ làm lu mờ hình ảnh quốc tế của một nhà cung cấp lương thực đáng tin cậy.

Theo các nhà phân tích, động thái của Ấn Độ làm gia tăng làn sóng bảo hộ lương thực đang ngày càng tăng kể từ khi xung đột Ukraine bắt đầu. Trong bối cảnh giá nông sản tăng cao, nhiều chính phủ trên thế giới đang tìm cách đảm bảo nguồn cung lương thực cho thị trường nội địa. Indonesia đã ngừng xuất khẩu dầu cọ, trong khi Serbia và Kazakhstan áp đặt hạn ngạch đối với các lô hàng ngũ cốc.

Trong một thông tin mới nhất, Mỹ và Liên minh châu Âu đang tìm cách cải thiện chuỗi cung ứng lương thực khi các hạn chế xuất khẩu đang làm gia tăng lo ngại về vấn đề an ninh lương thực toàn cầu.

TỐ QUYÊN

 (Lược dịch từ CNBC)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

GCA cam kết thúc đẩy toàn cầu hành động thích ứng với biến đổi khí hậu

Hiện nay, tính cấp thiết của việc tìm ra giải pháp cho tình thế tiến thoái lưỡng nan về biến đổi khí hậu chưa bao giờ rõ ràng hơn. Vào năm 2024, cuộc thảo luận toàn cầu về thích ứng với khí hậu đã trở nên sâu sắc. Nhiệt độ tăng cao, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và hệ sinh thái thay đổi đặt ra những thách thức đáng kể cho cả các quốc gia phát triển và đang phát triển.

GCA cam kết thúc đẩy toàn cầu hành động thích ứng với biến đổi khí hậu
Australia tiếp tục hỗ trợ UNDP giải quyết các thách thức phát triển toàn cầu

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) ngày 18/12 cho hay, Chính phủ Australia vừa đóng góp 13 triệu đô la Australia (tương đương 8,4 triệu USD) vào các nguồn lực cốt lõi của UNDP cho năm 2024. Đóng góp đáng kể này thể hiện cam kết liên tục của Australia đối với sự phát triển bền vững và quan hệ đối tác với UNDP.

Australia tiếp tục hỗ trợ UNDP giải quyết các thách thức phát triển toàn cầu
Ấn Độ, Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình ở khu vực biên giới

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, ngày 5/12, nhằm ngăn ngừa nguy cơ tái diễn đối đầu quân sự dọc Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC), Ấn Độ và Trung Quốc đã tiến hành đối thoại ngoại giao, trong đó nhìn lại những bài học kinh nghiệm từ cuộc đối đầu tại khu vực Đông Ladakh (mà Trung Quốc gọi là Aksai Chin).

Ấn Độ, Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình ở khu vực biên giới
Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức

Từ ngày 26 - 29/11, các đoàn đại biểu từ hơn 110 quốc gia đang tập trung ở Thủ đô Bangkok, Thái Lan để đưa ra các lộ trình quốc gia và đàm phán một tuyên bố chung về sức khỏe răng miệng tại Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu đầu tiên, do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức.

Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức
Return to top