Nó ấn tượng bởi lạ, lâu nay nhà rường đóng đinh trong tâm khảm bao người gắn liền với không gian vườn. Có thể xem nhà rường là điểm nhấn, là tuyệt tác, làm tôn vinh giá trị vườn Huế.
những ngôi nhà rường trên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: DT |
Lịch sử còn ghi, ngay sau lên ngôi, vua Minh Mạng đã có đạo dụ rằng, tất cả các nhà rường xây ở bên ngoài Đại Nội dù là của hoàng thân quốc thích cũng đều không vượt quá 3 gian 2 chái. Rồi nữa một phần do phải gánh chịu nhiều mưa bão và đặc biệt quy định không được vượt quá Hiển Lâm Các, cấu trúc cao nhất trong Đại Nội, nên nhà rường không được xây dựng cao lắm. Phép vua cũng quy định, không được dùng gỗ lim để làm nhà rường. Những quy định khắt khe kia (còn nhiều nữa) lại càng làm tôn vinh sự công phu và giá trị của nhà rường. Phức tạp là thế nhưng vẫn chưa xong, người xưa còn cẩn thận khi thiết kế đất vườn xung quanh nhà rường, phía trước và phía sau, bên phải và bên trái. Tất cả đều theo những niêm luật ngặt nghèo.
Nhà rường mới được dựng lên ở phố do thế trong một khía cạnh nào đó được xem là một sự cách tân và đó là sự phá cách dễ chịu. Những ngôi nhà rường xinh xắn dựng nên tạo thành một quần thể đã thực sự hòa hợp với không gian xanh mát mẻ và trữ tình bên dòng sông Hương. Nhà rường ở đây không còn đóng vai trò của tư thất kính cẩn trang nghiêm, một nét phong lưu của chốn Thần kinh. Thay vào đó là những nhà rường trưng bày sản phẩm, bán hàng lưu niệm, không gian thao diễn nghề và đôi khi là điểm dừng thư giãn của lữ khách. Dịp lễ hội, khách ra vào rộn ràng và điều đáng nói là nó đã tạo được sự ấm cúng, dễ chịu.
Dẫu sao thì cả dãy nhà rường trên con phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu không thể so sánh với nhà rường nơi vườn Huế ở Thành Nội, Kim Long, Vỹ Dạ hay tận vùng quê Phước Tích xa xôi. Thế nhưng, xem dựng nhà rường ở phố, chợt nghĩ về sự cơ động về ngôi nhà vốn là đặc sản của Huế. Thì ra, giàn nhà rường cột kèo lỉnh kỉnh kia tưởng chỉ có thể cố định, bất di bất dịch ở một nơi kia lại có thể dỡ ra xếp vào, dịch chuyển từ nơi này sang nơi khác một cách dễ dàng. Cũng vì thế mà hiện vẫn đang còn phong trào “mua” nhà rường ở quê đem lên Huế, rồi từ Huế chuyển vào Sài Gòn, dịch ra Hà Nội. Thực tế, cũng từ đó hình thành nên một nghề kinh doanh nhà rường rất “hot” trên thị trường hiện nay và kèm theo là cả những lời cảnh báo về nạn chảy máu nhà rường mà Huế là một trong những nơi tiêu biểu.
Cái gì cũng có mặt trái của nó, nhất là trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay. Kinh tế phát triển, người giàu ngày càng nhiều và thường có tâm lý khoe của mà việc dựng nhà rường để ở, để kinh doanh và để chơi là một cách. Gạn đục và khơi trong, bỏ qua những hạt sạn, người ta vẫn dễ dàng nhận thấy bước hòa nhập đáng yêu của ngôi nhà từ vườn ra phố. Nó góp phần tạo nên nét lạ, sự độc đáo của những con phố ở Huế như Nguyễn Đình Chiểu trong lễ hội Festival Nghề truyền thống Huế 2015.