Học sinh lớp 9/8 Trường THCS Nguyễn Chí Diểu (TP. Huế) được tổ chức lễ tổng kết năm học ở Quốc Tử Giám. Ảnh: BTLS

Đó có lẽ là buổi tổng kết đặc biệt, để lại rất nhiều kỷ niệm trong cuộc đời không chỉ với những cô cậu học trò lớp 9/8 Trường THCS Nguyễn Chí Diểu (TP. Huế) mà còn với thầy cô, phụ huynh lên ý tưởng.

Buổi tổng kết đặc biệt

Một ngày cuối tháng 5, hơn 40 cô cậu học trò lớp lớp 9/8 trong trang phục làm lễ tổng kết cuối cấp học lần lượt được ba mẹ chở đến Quốc Tử Giám. Trong không gian cổ kính, dưới làn gió của tán cây xanh mát, các cô cậu học trò vui tươi hớn hở khi được thầy cô và ba mẹ tổ chức buổi tổng kết ở địa điểm vô cùng ý nghĩa.

Ý tưởng này xuất phát từ hội phụ huynh lớp. Cô giáo chủ nhiệm thấy ý tưởng rất hay và ủng hộ. Chỉ trong một vài ngày chuẩn bị, phụ huynh và cô kết nối, xin được hỗ trợ từ Bảo tàng Lịch sử tỉnh và ngay lập tức đã nhận được sự đồng ý. Về phần các em học sinh, ai cũng háo hức khi nghe tin.

Cô Phan Thị Anh Thư, giáo viên chủ nhiệm lớp 9/8 nói rằng, nếu như tổ chức ở một nhà hàng, quán ăn thì quá quen thuộc. Nay tổ chức tổng kết ở không gian bảo tàng, di tích quan trọng như Quốc Tử Giám không chỉ giúp các em cảm thấy sự trang trọng, mà còn qua đó giới thiệu đến các em di tích lịch sử, văn hóa, giáo dục có giá trị cao.

Trong suốt quá trình tham quan trước khi tổ chức lễ tổng kết, các em học sinh chăm chú say sưa nghe cô thuyết minh trình bày, dẫn chuyện. Cô học trò Trần Lê Khánh Nhi nói rằng, rất yêu thích môn học lịch sử và thường xuyên được ba mẹ cho đi tham quan bảo tàng nên khi hay tin lễ tổng kết lớp ở Quốc Tử Giám đã rất vui mừng.

Tạo điều kiện cho các trường

Trong suốt thời gian tồn tại, Quốc Tử Giám góp phần không nhỏ trong việc đào tạo nhân tài cho đất nước. Trong số hơn 500 vị tiến sĩ, phó bảng của triều Nguyễn, có không ít vị đã từng dùi mài kinh sử tại ngôi trường này.

Cũng trong không gian này, cuối năm 2020, UBND tỉnh chọn làm địa điểm vinh danh, tuyên dương “Học sinh danh dự toàn trường” trên địa bàn toàn tỉnh ở các cấp học. Việc chọn Quốc Tử Giám làm địa điểm tổ chức tuyên dương, khen thưởng học sinh danh dự toàn trường hàng năm nhằm giáo dục cho học sinh lòng tự hào, trách nhiệm trong học tập, rèn luyện.

Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh kể, từ sau thời điểm UBND tỉnh tổ chức vinh danh, tuyên dương học sinh danh dự, có rất nhiều sự kiện khác liên quan đến giáo dục được diễn ra tại không gian Quốc Tử Giám. Riêng những ngày cuối tháng 5 năm nay, có rất nhiều trường liên hệ với bảo tàng để xin được tổ chức lễ tổng kết, phát thưởng. Có trường xin tổ chức toàn trường, có trường xin tổ chức theo khối, theo lớp… “Hình thức tổ chức này rất hay nên chúng tôi luôn tạo điều kiện, ủng hộ hết sức để các trường tổ chức. Bên cạnh được thấy, nghe hiểu hơn về Quốc Tử Giám, các em còn được trải nghiệm thực tế với rất nhiều hoạt động tham quan các chuyên đề trưng bày”, ông Lộc chia sẻ.

Theo ông Lộc, điều này cho thấy nhà trường rất chú trọng đến việc giáo dục tình yêu văn hóa, lịch sử dân tộc không chỉ thông qua các bài giảng mà còn từ mắt thấy tai nghe và những câu chuyện thực tế được lưu giữ ở không gian bảo tàng. Ông Lộc cũng khẳng định, ngoài các lễ phát thưởng, tổng kết, đơn vị sẽ tạo điều kiện hết sức và khuyến khích các trường tổ chức các hoạt động phù hợp tại không gian bảo tàng.

NHẬT MINH