Vài ngày trước, nhiều trang báo mạng đã chuyển đến bạn đọc một thông tin mà có lẽ, không phải ai cũng chú tâm. Đó là việc hàng trăm m2 san hô ở khu vực Hòn Mun (thuộc vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) bị chết hàng loạt. Đồng nghiệp của tôi cho hay, thi thoảng chị vẫn dẫn khách của cơ quan chị đi lặn biển và xem đáy đại dương. “Điều này cũng hơi bất ngờ với em – chị nói – cũng từ hồi có đại dịch đến giờ em chưa trở lại. Cứ ngỡ thời gian vắng khách, san hô đáy biển sẽ lớn và đẹp hơn…”.

Thông tin tổng hợp từ các trang báo cho hay, sự biến đổi của khí hậu, ô nhiễm môi trường, xả thải, nuôi trồng thủy sản, đánh bắt tự nhiên hay hiện tượng tẩy trắng san hô và các tác động thiên nhiên khác là các nguyên nhân chính yếu. Điều này ai cũng có thể suy luận và có ngay câu trả lời. Đây đương nhiên là vấn đề tác động lên môi trường của toàn cầu, trong đó có san hô. Nhưng quả thật, có một điều mà khi đọc nó, tôi nhận ra hình như mình cũng không phải là vô can, cho dù ở cách xa vịnh Nha Trang hàng trăm km. Ngoài chứa các chất như oxybenzone, octinoxate, 4-methylbenzylidene camphor hoặc butylparaben, các nghiên cứu sâu hơn của các nhà khoa học đã chỉ ra chất PFAS – còn được gọi là chất vĩnh hằng, vì chúng mất rất nhiều thời gian để phân hủy có trong kem chống nắng là thông tin từ Tuổi Trẻ Chủ nhật số 22, ngày 12/6. Trong mối quan hệ và tác động như này, kem chống nắng đã tạo ra các “bộ lọc” khoáng chất ở dạng hạt nano. Chúng là nguyên nhân gây ra hiện tượng tẩy trắng san hô nhanh chóng, phá hoại các loài tảo cộng sinh, cũng như cản trở các giai đoạn phát triển của nhiều loài sinh vật biển.

Thật khó có thể biết làn kem chống nắng mỏng manh mà mọi người dùng hàng ngày, dùng trong các chuyến du lịch đảo có đủ nhiều để tác động đến (gần nhất) rặng san hô ở Hòn Mun như thế nào. Trong một bài viết đăng trên Báo Khánh Hòa, hiện mỗi ngày, bến tàu đón hơn 1.000 du khách/ngày đi các tour đảo, những ngày cuối tuần lượng khách đi tour qua bến từ 1.800 - 2.000 khách/ngày. Cũng không thể biết bao nhiêu % người sử dụng kem chống nắng, nhưng một nghiên cứu từ năm 2015 của Craig Downs – nhà đọc học môi trường cho thấy, oxybenzone đã có thể gây bất lợi ở nồng độ 62 phần ngàn tỷ. Nghĩa là tương đương một giọt nước thả vào 6,5 bể bơi chuẩn Olympic (Tuổi Trẻ Cuối tuần số 22/2022).

Có thể sẽ có người nói rằng, lo chi xa quá vậy, san hô ở Hòn Mun chứ có phải ở mình đâu! Với lại, người ta vẫn bán đầy ra ở các kệ hàng và gian hàng mỹ phẩm ở cửa hàng hay siêu thị kia, cứ có nhu cầu là có hàng hóa thôi! Về phía mình, tôi vẫn thấy có gì điều gì đó không còn ổn nữa, không thân thiện nữa ngay trong cách dùng mỹ phẩm ở dạng tối thiểu như mình.

Nếu không vì những nguy hại với môi trường, chắc người ta sẽ không nghiên cứu và tìm tòi để có những sản phẩm kem chống nắng thân thiện với môi trường như của một vài hãng mỹ phẩm nổi tiếng trên thế giới trong thời gian gần đây. Cũng như cách mà đảo Bonaire ở Caribbean và đảo Hawaii của Mỹ hay Mexico đã cấm sử dụng kem chống nắng ở các khu bảo tồn thiên nhiên. Gần chúng ta nhất là Thái Lan, cũng đã ban hành lệnh cấm sử dụng các loại kem chống nắng có chứa chất hóa học gây hại đối với loài sinh vật biển này vào đầu tháng 8/2021…

Trên một bình diện tương tác rộng, có lẽ việc sử dụng kem chống nắng chủ yếu là đến từ ý thức. Điều này tưởng dễ, nhưng thực ra là rất khó, vì nhu cầu sử dụng nó vẫn chiếm tỷ lệ cao. Hòn Mun ở vịnh Nha Trang chỉ là một ví dụ đang được nhìn thấy, và chúng ta cũng chưa biết cụ thể còn có những tác dụng phụ nào, không chỉ từ kem chống nắng mà từ các hóa mỹ phẩm khác trong mối quan hệ tương tác với môi trường.

MINH HÀ