Lãnh đạo các nước G7 họp bàn. Ảnh minh họa: Báo Lao động

Hiệp định Đối tác về Cơ sở Hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu, được Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đồng minh G7 như Canada, Đức, Italy, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) đưa ra khi Trung Quốc cũng đang nỗ lực tăng cường sự hiện diện ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, mục tiêu đến năm 2027, Mỹ sẽ đóng góp 200 tỷ USD và phần còn lại của Nhóm G7 sẽ đảm nhận 400 tỷ USD. Ông nhận định, những dự án như vậy sẽ “mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, bao gồm cả người dân Mỹ và người dân của tất cả các nước chúng ta”.

Trong một ý kiến có liên quan, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhấn mạnh, G7 sẽ đưa ra một động lực đầu tư tích cực và mạnh mẽ cho thế giới, từ đó để các đối tác tại các quốc gia đang phát triển thấy rằng họ có quyền lựa chọn.

Không giống như Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, việc tài trợ này của G7 được đề xuất phụ thuộc phần lớn vào cam kết đầu tư lớn của các doanh nghiệp tư nhân.

Như vậy, từ nay đến năm 2027, chính phủ Mỹ và các đồng minh sẽ nỗ lực huy động được 600 tỷ USD “thông qua các khoản trợ cấp, tài trợ liên bang và tận dụng các khoản đầu tư của khu vực tư nhân”.

Đây mới chỉ là bước khởi đầu. Mỹ và các đối tác G7 cũng sẽ tìm cách huy động thêm hàng trăm tỷ USD vốn từ các đối tác cùng chung chí hướng, các ngân hàng phát triển đa phương, các tổ chức tài chính phát triển và quỹ tài sản có chủ quyền.

Đan Lê (Lược dịch từ The Business Times)