Những tổn thất và mất mát từ COVID-19 đã nêu bật tầm quan trọng của việc tăng cường đầu tư vào công tác chuẩn bị cho đại dịch. Ảnh: nld.com.vn

“Sự tàn phá về con người, kinh tế và xã hội của COVID-19 đã nêu bật nhu cầu cấp bách về hành động phối hợp nhằm xây dựng một hệ thống y tế mạnh hơn và huy động thêm các nguồn lực để phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch”, tuyên bố của World Bank nêu rõ.

Quỹ sẽ mang lại các nguồn lực bổ sung dành riêng cho công tác chuẩn bị và ứng phó với đại dịch, khuyến khích các quốc gia tăng cường đầu tư, phối hợp giữa các đối tác và đóng vai trò như một nền tảng vận động chính sách.

Dưới sự phát triển và dẫn dắt từ Mỹ, Italy và Indonesia như một phần của các nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của các nước này, và với sự hỗ trợ rộng rãi từ G20, hơn 1 tỷ USD cam kết tài chính đã được công bố cho FIF, trong đó có đóng góp từ Mỹ, Liên minh châu Âu, Indonesia, Đức, Vương quốc Anh, Singapore, Quỹ Gates và Wellcome Trust.

Mục tiêu của FIF là cung cấp tài chính để giải quyết những lỗ hổng nghiêm trọng trong việc phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch, nhằm tăng cường năng lực quốc gia trong các lĩnh vực như giám sát dịch bệnh, hệ thống phòng thí nghiệm, lực lượng y tế, truyền thông và quản lý khẩn cấp, cùng với sự tham gia của cộng đồng. Quỹ cũng có thể giúp giải quyết những khoảng trống trong việc tăng cường năng lực khu vực và toàn cầu, ví dụ, bằng cách hỗ trợ chia sẻ dữ liệu, hài hòa các quy định và năng lực phối hợp phát triển, mua sắm, phân phối và triển khai các biện pháp đối phó và cung cấp thiết bị y tế thiết yếu.

“Khi nói đến việc chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo, chi phí không hành động lớn hơn chi phí hành động”, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh trong một tuyên bố cuối ngày 30/6.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ WHO)