Tuy nhiên, sáng7/5, NHNN chính thức điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và USD từ mức 21.458 VND/USD lên 21.673 VND/USD (mức điều chỉnh 1%). Và như vậy, cam kết biên độ điều chỉnh tỷ giá chỉ tối đa 2% năm 2015 đã được NHNN sử dụng hết.

Nhìn rộng cả quá trình diễn biến tỷ giá xuyên suốt những tháng đầu năm 2015, đáng chú ý trong tháng 3 vừa qua, có thể thấy sức ép tỷ giá đã dồn lên cam kết ổn định với biên độ hẹp để điều chỉnh của NHNN khá nặng. Trước đó, ngày 7/1, NHNN có quyết định điều chỉnh đầu tiên trong năm, “tiêu” mất 1% để chủ động dẫn dắt thị trường, phù hợp với diễn biến thị trường tài chính trong nước và quốc tế, tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ. Tỷ giá giảm nhanh, thiết lập mặt bằng mới ổn định và giúp thanh khoản thị trường tốt.

Tuy nhiên, tỷ giá có xu hướng tăng trở lại. Nhiều yếu tố cộng hưởng hơn nữa khiến xu hướng này có nguy cơ “leo thang” nếu NHNN không can thiệp. Ở thời điểm hiện nay, các thông tin có thể tác động tỷ giá không chỉ là đồng USD vẫn có thể tăng mạnh trên thị trường quốc tế, nhập siêu tăng nhanh trong những tháng đầu năm… mà còn do những tin tức thời sự khác. NHNN đã đến thời điểm khó quản lí nếu kỳ vọng chỉ bằng cam kết.

Có ý kiến cho rằng, mục tiêu điều chỉnh tỷ giá của NHNN vừa diễn ra không để thúc đẩy xuất khẩu. Vì chỉ số hiệu suất hoạt động của tiền đồng so với các loại tiền tệ của các nền kinh tế mà Việt Nam đang cạnh tranh trực tiếp về xuất khẩu đang cho thấy đồng VND yếu hơn. Áp lực điều chỉnh để hỗ trợ xuất khẩu là gần như bằng 0. Hay có thể hiểu cách khác, quyết định điều chỉnh tiếp theo với biên độ lớn khiến VND suy yếu mạnh sẽ khó xảy ra.

Cần nói thêm là vào đúng thời điểm NHNN ra quyết định điều chỉnh tỷ giá VND/USD, giá xăng trong nước đã tăng theo diễn biến giá dầu trên thế giới. Trước mắt, giá xăng và cả giá điện tăng chưa thể tác động ngay đến chỉ số CPI vì hàng hóa chưa thể lập tức tăng theo xăng và điện và chưa tác động đến lạm phát hay tỷ giá, song do đà phục hồi trở lại của giá dầu quốc tế (chưa biết sẽ duy trì được bao lâu), cũng như câu hỏi liệu USD trên thị trường có quay đầu dài hạn làm “nguội” hẳn tâm lý kỳ vọng của nhà đầu tư hay không, nên việc xác định áp lực tỷ giá đã được dỡ bỏ hoàn toàn nhờ quyết định “tiêu” nốt 1% biên độ cho điều chỉnh tỷ giá của NHNN vào lúc này là còn quá sớm.

Bên cạnh những đánh giá tích cực về quyết định điều chỉnh tỷ giá của NHNN, các chuyên gia kinh tế cũng tỏ ra khá lo ngại việc tăng tỷ giá sẽ có những ảnh hưởng xấu đến mục tiêu giảm lãi suất VND. Mặc dù tỷ giá đã hạ nhiệt trong những ngày qua, tuy nhiên, quan sát thị trường, có thể thấy áp lực lên tỷ giá đang rất lớn. Điều này không chỉ do yếu tố tâm lý, mà còn đến từ các yếu tố vĩ mô khác như nợ công, nhập siêu...

Tỷ giá có thể tạm yên trong lúc này nhưng nếu các yếu tố vĩ mô tiếp tục tăng cường hay USD tiếp tục tăng giá thì rất có thể người dân hay những nhà đầu cơ có thể nghĩ rằng tỷ giá sẽ biến động, và việc găm giữ hay rút tiền VND để chuyển sang USD sẽ xảy ra. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng bắt buộc phải tăng lãi suất để cầm chân khách hàng.

Những lần trước, khi điều chỉnh, tỷ giá ngay lập tức hạ nhiệt và thị trường đi vào ổn định; điều này đã giúp giảm lãi suất VND. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, lần điều chỉnh tỷ giá này có tác động khác hẳn. Những yếu tố vĩ mô đang tác động mạnh lên tỷ giá, chính vì vậy, lần điều chỉnh này có thể sẽ khiến lạm phát tăng lên. Khi lạm phát tăng, cơ hội giảm lãi suất sẽ trở nên khó khăn hơn.

Bạch Quang