Lo đựng cần sa trong một cửa hàng ở Bangkok, Thái Lan - Ảnh: REUTERS
Năm 2018, Thái Lan trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên hợp pháp hóa cần sa để sử dụng trong y tế. Vào tháng 6, Thái Lan hợp thức hóa cần sa cho mục đích y tế và sức khỏe.
Cục Trấn áp ma túy (NSB) Thái Lan cho biết cảnh sát sẽ không bắt giữ người hút cần sa tại nhà vì mục đích y tế hay sức khỏe. Tuy nhiên, nếu họ hút cần sa tại các khu vực công cộng và gây rối, họ có thể bị buộc tội.
Người hút cần sa ở nơi công cộng có nguy cơ phải đối mặt với án tù 3 tháng hoặc khoản tiền phạt lên tới 25.000 baht (hơn 700 USD).
Dù vậy, rất khó để phân ranh giới giữa dùng cho mục đích sức khỏe hay giải trí. Chưa kể lo ngại rằng nó có thể làm tăng tình trạng nghiện cần sa.
Kể từ khi Thái Lan hợp pháp hóa cần sa, nhiều tụ điểm nhỏ bán cần sa đã mọc lên khiến chính quyền phải ra tay kiểm soát. Tình trạng này cũng khiến người dân lo ngại ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch, như du khách đến Thái Lan để hút cần sa và khiến du khách không hút cần sa không muốn đến.
"Chúng tôi không chào đón những du khách như vậy", Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul nói về việc sử dụng cần sa để giải trí của du khách.
Ông Anutin thể hiện quan điểm cứng rắn dù Thái Lan là nước phụ thuộc vào du lịch. Nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á dự kiến thu hút 8 triệu đến 10 triệu lượt khách trong năm nay, cao hơn dự báo 7 triệu trước đó.
Năm ngoái, đại dịch COVID-19 khiến du khách nước ngoài tới Thái Lam giảm còn 428.000 lượt, giảm sâu so với mức kỷ lục gần 40 triệu lượt vào năm 2019.
Thái Lan đã thành lập một ủy ban truyền thông về cần sa để giáo dục công chúng sử dụng cần sa đúng cách cho mục đích y tế hay thương mại. Theo bộ trưởng y tế, nước này không loại trừ khả năng cho phép dùng cần sa cho mục đích giải trí khi đã có sự hiểu biết rõ hơn.
Chính sách cần sa của Thái Lan cũng thu hút sự quan tâm từ các nước láng giềng trong khu vực như Malaysia, quốc gia đang nghiên cứu việc sử dụng cần sa cho mục đích y tế.
Theo Tuoitre